Nữ bệnh nhân 46 tuổi làm công nhân cao su ở tỉnh Bình Phước, bị viêm xoang mạn tính hơn 3 năm nay. Gần đây chị bị chảy máu cam bất thường kèm theo nhức buốt đầu, ù tai, khạc ra máu nên đi khám ở nhiều bệnh viện, có nơi chẩn đoán bị viêm đa xoang, nơi khác kết luận là viêm midan và chỉ cho thuốc uống. "Tôi uống thuốc trị viêm xoang không khỏi nên nghi mình bị ung thư, quyết định đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM khám", chị Hoa kể.
Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Phó trưởng khoa Xạ 3, cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy chị Hoa bị ung thư vòm hầu giai đoạn 2. Khối u chưa di căn nên chỉ cần điều trị bằng tia xạ. Theo phác đồ, bệnh nhân sẽ phải xạ trị trong 6 đến 7 tuần liên tục. Bác sĩ nhận định: "Rất may trường hợp này phát hiện ở giai đoạn sớm chưa di căn nên khả năng trị khỏi trên 90%".
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo ung thư vòm hầu khá phổ biến trong số loại ung thư đầu - mặt - cổ. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 3 lần phụ nữ. Độ tuổi thường gặp nhất là từ 30 đến 40 và 50 đến 60 tuổi. Cá biệt có một số người trẻ 15 đến 20 tuổi đã bị ung thư vòm hầu, song con số này không nhiều.
Đến nay chưa có bằng chứng khoa học khẳng định nguyên nhân chính xác gây ung thư vòm hầu. Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là nhiễm virus EBV, môi trường ô nhiễm, ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ muối chua, uống nhiều rượu, hút thuốc, vệ sinh răng miệng kém...
Ung thư vòm hầu phát hiện ở giai đoạn sớm chưa di căn thường chỉ cần xạ trị là khỏi. Tuy nhiên do bệnh không có triệu chứng đặc hiệu nên thường bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm amidan, viêm họng... Hầu hết bệnh nhân nhập viện khi khối u đã di căn đến các vùng xung quanh khiến việc điều trị trở nên phức tạp.
Bác sĩ khuyên mọi người nên tăng cường tầm soát ung thư. Đặc biệt khi có các triệu chứng bất thường như chảy máu cam liên tục, ù tai, khạc ra máu, nghẹt mũi kèm theo chảy mủ, đau đầu kéo dài, nên đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi