Các nguồn tin giấu tên cho biết Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tìm cách cải thiện mối quan hệ căng thẳng bằng cách trao đổi nhiều thư từ.
Các cuộc thảo luận cấp cao báo hiệu sự cải thiện trong mối quan hệ liên Triều vốn đã xấu đi trong năm qua và tái khởi động các cuộc đàm phán đang bị đình trệ giữa Triều Tiên và Mỹ.
Động thái này được xem là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm tạo dấu ấn với công chúng trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ông Moon khẳng định di sản của mình là cải thiện quan hệ với Triều Tiên và đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán với Washington và Bình Nhưỡng.
Hàn Quốc và Triều Tiên đang thảo luận về việc xây dựng lại văn phòng liên lạc chung tại làng Bàn Môn Điếm. Trước đó vào năm 2020, Triều Tiên đã phá hủy văn phòng liên lạc ở thành phố Kaesong.
Hai bên cũng đang đàm phán để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh cuối cùng giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un.
"Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và dịch bệnh COVID-19 vẫn là yếu tố tác động lớn nhất", một nguồn tin cho biết.
Một nguồn khác cho biết tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến có thể là một lựa thay thế, điều này tùy thuộc vào quyết định của phía Triều Tiên.
Chính phủ Triều Tiên đã không tổ chức bất kỳ cuộc họp nào với công dân nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát, cũng như hạn chế sự tiếp cận của các phương tiện truyền thông bên ngoài.
Trước khi quan hệ hai miền được nối lại Tổng thống Moon Jae-in đã nhiều lần kêu gọi khôi phục các đường dây liên lạc và đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Nhưng chính quyền Bình Nhưỡng đã trả lời công khai với những lời chỉ trích gay gắt, nói rằng họ không có ý định nói chuyện với Seoul.
Kể từ tháng 4, ông Moon đã hơn 10 lần trao đổi thư từ với Chủ tịch Kim Jong-un, qua đó dẫn đến việc mở kênh liên lạc giữa cơ quan tình báo Seoul và bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Bất chấp những "thăng trầm" trong các cuộc tham vấn, hai bên đã nhất trí vào cuối tuần qua sẽ kích hoạt lại đường dây nóng như một bước "phá băng" đầu tiên.
Động thái của phía Triều Tiên cho thấy nước này sẵn sàng đáp lại các yêu cầu của Mỹ trong các cuộc đàm phán, vì chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cam kết một cách tiếp cận thực tế bao gồm không chỉ định một phái viên về các vấn đề nhân quyền của Triều Tiên.
"Có một số yếu tố có thể nhìn thấy, bao gồm theo đuổi cách tiếp cận hành động theo từng giai đoạn, thay vì một cuộc thương lượng lớn, hoặc chỉ định một nhà đàm phán hạt nhân, thay vì một đặc phái viên nhân quyền", nguồn tin cho biết. "Rốt cuộc, Washington đã công bố chính sách của mình và Triều Tiên không thể ngồi yên, vì vậy quan hệ liên Triều được coi là điểm khởi đầu."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Ba cho biết Washington ủng hộ sự can dự liên Triều và ngoại giao là điều cần thiết để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.