Nghi phạm người Indonesia Siti Aisyah, 25 tuổi, và nghi phạm người Việt Nam Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, bị cáo buộc sát hại người được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào giữa tháng 2 năm nay.
Cảnh sát cáo buộc hai cô gái này đã áp chất độc thần kinh VX vào mặt nạn nhân khi ông này chuẩn bị lên chuyến bay về Macao, nơi ông đang sống lưu vong. Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah dự kiến phải ra tòa lần 3 trong ngày hôm nay (30/5). Hai nghi phạm sẽ đối mặt án tử hình nếu bị kết tội. Hai nghi phạm bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng, họ bị lừa tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Ông Gooi Soon Seng, luật sư trưởng của nghi phạm Siti Aisyah, hôm qua nói rằng, cảnh sát và các công tố viên nhà nước của Malaysia vẫn chưa cung cấp những đoạn phim do camera giám sát ở sân bay ghi lại được trong ngày xảy ra vụ việc cũng như báo cáo khám nghiệm tử thi.
“Tất nhiên điều này cực kỳ khó chịu. Tôi đã gửi không biết bao nhiêu đề nghị và lời nhắc nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Điều này cực kỳ phi đạo đức và không thân thiện”, luật sư Gooi nói.
Các đoạn phim giám sát và báo cáo khám nghiệm tử thi rất quan trọng đối với việc bào chữa, ông Gooi nói. Luật sư này nghi ngờ các công tố viên có thể gây bất ngờ. “Quyền được xét xử công bằng cần điều kiện là tất cả các tài liệu phải được cung cấp sớm nhất có thể trong quá trình chuẩn bị ra tòa, chứ không phải giờ thứ 11 trước khi phiên tòa bắt đầu”, ông Gooi nói.
Trong khi đó, Phó công tố viên Muhammad Iskandar Ahmad kêu gọi bình tĩnh. “Xin hãy bình tĩnh. Chúng tôi có nghĩa vụ cung cấp tài liệu trước phiên xét xử. Đó là cách đã được làm trong tất cả các vụ án. Đây chỉ là một trong các vụ án và chúng tôi cũng làm như vậy”, ông Ahmad nói. Phó công tố viên Malaysia nói rằng, các công tố viên dự kiến yêu cầu chuyển vụ án lên Tòa án tối cao để xét xử.
Cảnh sát Malaysia vẫn đang truy tìm 4 người Triều Tiên bị tình nghi tham gia vụ ám sát. Bốn người này được cho là đã trở về Triều Tiên ngay sau khi vụ việc xảy ra. Ba người Triều Tiên trước đó được gọi là “những người liên quan”, trong đó có một nhà ngoại giao tại Malaysia, đã được phép về nước sau một thỏa thuận giữa Malaysia và Triều Tiên về việc để những người Malaysia bị giữ ở Bình Nhưỡng trở về để đổi lấy thi thể mà Malaysia đang giữ.
Đây không phải lần đầu tiên luật sư Gooi tố giới chức Malaysia thiếu hợp tác cung cấp tài liệu. Phát biểu sau phiên tòa lần hai xét xử Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah ngày 14/4, luật sư Gooi cũng nói với báo giới rằng, cảnh sát Malaysia không phản hồi yêu cầu của họ về việc cung cấp bằng chứng, trong đó có dữ liệu camera giám sát và lời khai của 3 người Triều Tiên đã được Malaysia cho về nước.
Củng cố lập luận bào chữa cho Đoàn Thị Hương
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/5, trả lời câu hỏi về quá trình chuẩn bị cho phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương vào 30/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đại diện Đại sứ quán Việt Nam và luật sư Malaysia vừa thăm lãnh sự công dân trong các ngày 18 và 24/5 để động viên tinh thần và tìm hiểu, củng cố thêm lập luận bào chữa cho Đoàn Thị Hương vào phiên xử tới. Trong các cuộc gặp này, Hương cho biết, sức khỏe tốt và tinh thần ổn định.
Bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và các luật sư để bảo vệ quyền lợi cho Đoàn Thị Hương trong phiên xử ngày 30/5.
Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vào cuối tháng 4 tại Philippines, Thủ tướng Malaysia Najib Razaq nêu rõ sẽ đảm bảo quá trình tố tụng, xét xử Đoàn Thị Hương diễn ra công bằng và đảm bảo các quyền hợp pháp của Hương.