Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi báo cáo về vấn đề trẻ em và xung đột vũ trang cho Hội đồng Bảo an, trong đó nhấn mạnh các hành vi giết hại, hành hạ và lạm dụng tình dục, bắt cóc hoặc tuyển dụng, từ chối tiếp cận viện trợ và tấn công các trường học và bệnh viện.
Báo cáo xác minh rằng đã có tới 19.379 trẻ em bị xâm phạm trong 21 cuộc xung đột. Các vụ vi phạm nhiều nhất trong năm 2020 là ở Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan, Syria và Yemen.
Đặc biệt, đã có tới 8.521 trẻ em bị tuyển dụng làm binh lính, trong khi 2.674 trẻ em khác đã thiệt mạng và 5.748 trẻ bị thương trong các cuộc xung đột khác nhau.
Báo cáo cũng nêu đích danh các bên tham gia xung đột với hy vọng thúc đẩy họ thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em. Danh sách này từ lâu đã gây tranh cãi đối với các nhà ngoại giao, ngoài ra chính phủ Arab Saudi và Israel được cho là gây áp lực trong những năm gần đây để không có tên trong danh sách đen.
Israel chưa bao giờ được đưa vào danh sách, trong khi liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu đã bị loại khỏi danh sách vào năm 2020, chỉ vài năm sau khi lần đầu tiên bị nêu tên vì liên quan tới nhiều cái chết của trẻ em Yemen.
Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt tranh cãi xung quanh báo cáo, danh sách đen do Tổng Thư ký Guterres công bố vào năm 2017 đã được chia thành hai loại. Một liệt kê các bên đã áp dụng các biện pháp để bảo vệ trẻ em và bên kia bao gồm các bên chưa áp dụng.
Có một vài thay đổi đáng kể đối với danh sách được công bố đầu tuần này. Các đảng phái nhà nước duy nhất có tên trong danh sách không áp dụng các biện pháp bảo vệ trẻ em là quân đội Myanmar và các lực lượng chính phủ Syria.