Từ nhỏ, Leonardo da Vinci đã nổi bật hơn so với những đứa trẻ khác trong làng Vinci (gần Florence) bởi sự tò mò vô tận với thế giới xung quanh. Ông quan sát tỉ mỉ từng chi tiết và từ những phác thảo đầu tiên, Leonardo đã phát huy được khả năng tái hiện mọi thứ của mình. Tài năng của ông đã mở đường giúp ông trở thành học trò của Andrea del Verrocchio, một hoạ sĩ nổi tiếng theo chủ nghĩa chiết trung, người đã giúp ông thoả mãn niềm khao khát tri thức.
Về sau, Leonardo trở thành một bậc thầy hội hoạ độc lập, đặc biệt làm việc cho Công tước Milan (Ludovico Sforza, người sau này bị giam cầm tại thành phố hoàng gia Loches). Ông tổ chức những buổi lễ hội lớn, đồng thời phát minh ra những máy móc sân khấu hoành tráng (thiết bị được thiết kế để tạo ra hiệu ứng sân khấu, chẳng hạn như thay đổi cảnh nhanh, ánh sáng, hiệu ứng âm thanh, ảo ảnh siêu nhiên), và được phong danh hiệu kỹ sư. Từ đó, ông đã được mời nghiên cứu và tư vấn về nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, kiến trúc, cơ chế của khung dệt, thiết bị quân sự và thuỷ lực, quy hoạch đô thị... Những phát minh xuất sắc của ông hiện được trưng bày tại Lâu đài Clos Lucé.
Lâu đài Château du Clos Lucé. Ảnh: Eric Sander |
Bàn làm việc của Leonardo da Vinci tại Lâu đài Château du Clos Lucé. Ảnh: Eric Sander |
Mùa thu năm 1516, Leonardo da Vinci rời nước Ý đến định cư tại Amboise theo lời mời của vua Francis I, mang theo tất cả các ghi chép của ông (các ghi chép được viết ngược theo phong cách gương soi để có thể đảm bảo bí mật) và ba kiệt tác: bức tranh Thánh Anne, Thánh John the Baptist, và Mona Lisa (La Gioconda). Thời bấy giờ, các bức tranh chỉ được khắc hoạ với những khuôn mặt buồn bã nhưng Mona Lisa lại gây kinh ngạc với nụ cười bí ẩn và đôi mắt như dõi theo người xem.
Leonardo không phải là nghệ sĩ người Ý duy nhất được mời đến triều đình. Các hoạ sĩ, nhà điêu khắc, thợ bạc, thợ làm đồ nội thất cùng với những người làm vườn và nhà thiết kế cảnh quan cũng vượt dãy An-pơ (một trong những dãy núi lớn nhất, dài nhất châu Âu) mang theo tài năng kiệt xuất của họ. Những khu vườn tuyệt đẹp của lâu đài Château Gaillard chính là tác phẩm của Pacello da Mercogliano (nhà thiết kế vườn và kỹ sư thuỷ lực).
Tại những phân xưởng và studio của mình tại Clos Lucé, Leonardo tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các dự án lớn cho nhà vua, bao gồm xây dựng cung điện hoàng gia, thiết kế các kênh dẫn nước cho tưới tiêu và giao thông, tổ chức các buổi lễ xa hoa lộng lẫy với những cỗ máy như sư tử tự động phun hoa bách hợp, vòm khải hoàn trong lễ rửa tội của Trữ quân... nhằm củng cố quyền lực hoàng gia ngay sau chiến thắng lừng lẫy ở trận Marignano (một trận đánh trong các cuộc chiến tranh Ý (1494-1559) được gọi là Chiến tranh liên minh Cambrai, giữa liên quân Pháp-Venezia và Cựu Liên bang Thuỵ Sĩ) vào năm 1515.
Leonardo đã sống tại đây trong 3 năm cuối đời trước khi ông qua đời vào năm 1519. Hàng năm, dòng người tham quan đông đảo đổ về Lâu đài Hoàng gia Château of Amboise để viếng thăm phần mộ của ông trong Nhà thờ St Hubert đầy yên bình mà mê hoặc. Khách tham quan cũng có thể dạo quanh quảng trường và Lâu đài Clos Lucé để thưởng thức các kiệt tác và những sáng tạo của Leonardo da Vinci.
Lâu đài Hoàng gia Château d'Amboise. Ảnh: Loire Valley |