Báo cáo dài 203 trang trên do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Văn phòng Cao ủy nhân quyền (OHCHR), Cơ quan kinh tế và các vấn đề xã hội LHQ (UN DESA) và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) thực hiện và công bố.
Theo báo cáo, một cuộc khảo sát với hơn 83.000 người tại 57 quốc gia cho thấy cứ 2 người thì có 1 người có thái độ phân biệt đối xử với người già ở mức trung bình hoặc cao. Báo cáo chỉ ra rằng những quan niệm về tuổi tác dựa trên những quan điểm rập khuôn về những người cao tuổi được lặp đi lặp lại ngay từ khi còn nhỏ. Bà Alana Officer, người đứng đầu bộ phận của WHO về thay đổi nhân khẩu học và lão hóa lành mạnh, cho rằng những định kiến hình thành sớm trong đời sống và được củng cố theo thời gian. Chủ nghĩa phân biệt dựa trên tuổi tác đang lan rộng từ các hệ thống chăm sóc sức khỏe, nơi làm việc, đến các phương tiện truyền thông.
Bà Alana Officer cảnh báo chủ nghĩa phân biệt đối xử với người cao tuổi dẫn đến sức khỏe thể chất, tinh thần kém hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống của những người cao tuổi. Bà đồng thời chỉ rõ tình trạng này dẫn tới sự tiếp cận không công bằng tới hệ thống chăm sóc y tế, việc làm và các hoạt động đào tạo nghề dành cho người cao tuổi.
Theo bà Officer, một nửa dân số thế giới có tư tưởng phân biệt tuổi tác đối với người cao tuổi và tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Báo cáo chỉ ra rằng những đối tượng có hành vi phân biệt đối xử đối với người cao tuổi thường là người trẻ tuổi hơn, nam giới và những người có trí thức thấp. Bên cạnh đó, nữ giới có nguy cơ trở thành mục tiêu của các hành vi phân biệt tuổi già cao hơn nam giới và những người trẻ tuổi cũng bị phân biệt tuổi tác ở nhiều lĩnh vực, như việc làm, y tế, nhà ở và chính trị.
Trong báo cáo này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng chủ nghĩa phân biệt người cao tuổi đang lan ra khắp các thể chể, luật pháp, chính sách trên khắp thế giới và sự phân biệt này làm tổn hại sức khỏe và lòng tự trọng của một cá nhân cũng như các nền kinh tế và xã hội. Ông còn nhấn mạnh chủ nghĩa phân biệt tuổi già phủ nhận quyền con người của người cao tuổi và khiến họ không thể bộc lộ hết tiềm năng của mình.
Trong một tuyên bố chung đưa ra cùng ngày, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Cao ủy nhân quyền của LHQ Michelle Bachelet, người đứng đầu UN DESA Liu Zhenmin và Giám đốc UNFPA Natalia Kanem, những người đứng đầu của các cơ quan trên cho rằng người cao tuổi thường được cho là dễ bị tổn thương trong khi thế hệ trẻ được nhìn nhận là những người thiếu kinh nghiệm, không có trách nhiệm và luôn thắng. Trong bối cảnh các nước tìm cách hồi phục từ sau đại dịch COVID-19, con người ở mọi độ tuổi sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều hình thức phân biệt tuổi tác, ví dụ như những lao động trẻ tìm việc làm khó khăn hơn trong khi lao động lớn tuổi trở thành mục tiêu bị cắt giảm lao động. Do vậy, các quan chức cấp cao LHQ trên nhấn mạnh các nước phải giải quyết chủ nghĩa phân biệt tuổi tác cả trong và sau đại dịch này nếu các nước muốn đảm bảo sức khỏe, sự sung túc và lòng tự trọng của con người.
Báo cáo chỉ ra những tổn thất về kinh tế của chủ nghĩa phân biệt người cao tuổi là rất lớn. Một nghiên cứu ở Mỹ vào năm 2020 cho thấy chủ nghĩa phân biệt tuổi già dẫn đến chi phí hàng năm vượt quá 63 tỷ USD đối với một loạt tình trạng về sức khỏe. Trong khi đó, một nghiên cứu khác ở Australia cho thấy nền kinh tế quốc gia sẽ được hưởng lợi thêm 37 tỷ USD mỗi năm, nếu có thêm 5% người từ 55 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động.
Theo báo cáo của các cơ quan LHQ, các chính sách nhằm giảm thiểu chủ nghĩa phân biệt đối với tuổi già đã được thể hiện trong 3 lĩnh vực gồm chính sách và luật pháp, hoạt động giáo dục và sự tiếp xúc giữa các thế hệ. Báo cáo còn nhấn mạnh sự cần thiết trong việc triển khai các biện pháp chống chủ nghĩa này, bao gồm việc xây dựng "một hoạt động để thay đổi cách diễn giải về tuổi tác và sự lão hóa".