Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nữ quyền (tức quyền nữ giới hay quyền phụ nữ) ở Afghanistan luôn là một trong số các chủ đề tranh luận toàn cầu trong vòng hơn một thế kỷ qua. Khi quốc gia này chuẩn bị bước vào một kỷ nguyên khác do Taliban cai trị, những người ủng hộ nữ quyền lo sợ nước này sẽ đi một bước lùi lớn trong những nỗ lực vì công bằng cho phụ nữ.
Ảnh: The Conversation
Ảnh: The Conversation

Lịch sử của được và mất

Nếu chỉ quan tâm đến nữ quyền tại Afghanistan trong vòng hai thập kỷ trở lại đây, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ lỡ những tình tiết kỳ thú nhất trong tổng thể của bức tranh này.

Lịch sử hiện đại của Afghanistan bắt đầu từ triều đại của vua Amanullah Khan, người trị vì đất nước trong một thập kỷ kể từ năm 1919, với việc thúc đẩy cải cách theo kiểu phương Tây nhằm hiện đại hóa đất nước.

Lấy cảm hứng từ Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập và là Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, Amanullah Khan đưa ra một Hiến pháp mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ cũng như nam giới. Vợ ông, Nữ hoàng Soraya, người đã mở trường nữ sinh đầu tiên ở Kabul, cũng trở thành nhà đấu tranh vì nữ quyền mạnh mẽ.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 1

Nữ hoàng Soraya & Vua Amanullah Khan, ảnh chụp năm 1928. Ảnh: The Conversation.

Dưới triều đại Amanullah Khan, hành vi tảo hôn bị nghiêm cấm, phụ nữ không bị bắt buộc đeo mạng che mặt, chế độ đa thê không được khuyến khích và thẩm quyền của các nhà lãnh đạo tôn giáo bị thu hẹp. Tốc độ thay đổi nhanh chóng này tuy được ca ngợi ở quốc tế, nhưng đã làm chao đảo tầng lớp bảo thủ trong xã hội Afghanistan, dẫn đến việc kích động các cuộc nổi dậy.

Cuối cùng, Amanullah Khan buộc phải thoái vị vào năm 1929, nhường chỗ cho Mohammed Nadir Shah, người đã bãi bỏ các chính sách tiến bộ nhất chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó, Zahir Shah, trị vì từ năm 1933 đến năm 1973 và cũng là vị vua cuối cùng của Afghanistan, đã sử dụng lại những ý tưởng về bình đẳng giới của Amanullah Khan với ít nhiều thận trọng hơn.

Trong thời gian trị vì, Zahir Shah đã khuyến khích phụ nữ Afghanistan tham gia soạn thảo Hiến pháp vào năm 1964, trao cho họ quyền bầu cử, được tìm kiếm việc làm, điều hành doanh nghiệp và tham gia chính trị. Tuy căng thẳng đến từ phía những người theo chủ nghĩa truyền thống chưa bao giờ nguôi ngoai, nhưng vào thời điểm đó, phụ nữ Afghanistan được phép lên tiếng phản đối mọi cuộc tấn công nhằm vào quyền của họ.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 2

Thủ đô Kabul trước khi cuộc nội chiến 1988 bùng nổ. Ảnh: The Conversation.

Bước ngoặt diễn ra vào năm 1979, khi một vị tướng thân Liên Xô bị giết trong một cuộc đảo chính và Liên Xô tổ chức một chiến dịch xâm lược Afghanistan, thiết lập chế độ bù nhìn theo chủ nghĩa Marx.

Địa vị của phụ nữ bắt đầu bị xói mòn khi Afghanistan lâm vào cuộc nội chiến giữa Liên xô và Chính quyền bù nhìn với các phe phái đối lập, bao gồm những chiến binh Hồi giáo được gọi là mujahedeen. Sau khi Liên Xô rút lui vào năm 1989, Taliban - tổ chức hình thành vào đầu những năm 1990 như một phong trào liên kết những thanh niên ngoan đạo, cuối cùng đã chiếm được ưu thế.

Họ hứa hẹn mang đến một chính phủ hòa bình và hiện đại, nhưng thực tế đã diễn ra rất khác. Từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan bị cấm học tập và làm việc, cấm nói chuyện trước đám đông và thậm chí không được rời nhà nếu không có đàn ông hộ tống. Họ cũng bị buộc phải mặc burqa – những bộ trang phục che kín từ đầu tới chân và dùng mạng che mặt. Hình phạt cho các vi phạm sẽ từ đả kích công khai cho tới ném đá đến chết.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 3

Kabul dưới sự cai trị của Taliban, tháng 10/1996. Ảnh: The Conversation.

Trong giai đoạn này, tỷ lệ tự tử ở phụ nữ Afghanistan tăng lên gấp nhiều lần. Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ giảm sút do hạn chế trong việc đi lại. Phụ nữ chính thức bị loại khỏi đời sống chính trị.

Vào năm 2001, sau khi Taliban từ chối dẫn độ thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden, kẻ đã gây ra vụ tấn công ngày 11/9, Mỹ đã tiến đánh Afghanistan. Bin Laden và các lãnh đạo Taliban nhanh chóng thất bại, bỏ lại đất nước dưới sự kiểm soát của lực lượng nước ngoài.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 4

Phụ nữ Afghanistan trong một cuộc tuần hành tại Kabul về mối quan tâm của họ vào tiến trình hòa bình năm 2019. Ảnh: Cordaid.

Bất chấp những tiến bộ do Mỹ mang lại, Afghanistan vẫn là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong thai sản cao nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng gần 90% phụ nữ ở Afghanistan đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình và 17% từng bị bạo lực tình dục.

Sự giám sát của Mỹ góp phần cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan. Hiến pháp năm 2004 của quốc gia này có các điều khoản để đảm bảo phụ nữ góp phần vào đời sống chính trị. Phụ nữ cũng từng đại diện cho hơn một phần tư số đại biểu quốc hội Afghanistan. Trong năm 2016, hơn 150.000 phụ nữ đã được bầu vào các vị trí lãnh đạo tại địa phương.

Luật Shariah

Trong lần quay trở lại nắm quyền năm 2021, các nhà lãnh đạo Taliban được cho là đang cố gắng quảng bá một hình ảnh hiện đại hơn. Ngay khi chiếm được Kabul vào ngày 15/8, họ tuyên bố sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ trong “khuôn khổ luật Hồi giáo”. Waheedullah Hashimi, một chỉ huy cấp cao của Taliban nói với Reuters rằng “sẽ không có hệ thống dân chủ”, thay vào đó là luật Shariah.

Shariah là một bộ luật quy định các giới hạn trong đời sống hàng ngày của người Hồi giáo, sự kết hợp của Kinh Qur'an và những điều răn của nhà tiên tri Muhammad. Dù Kinh Qur'an nêu chi tiết về con đường dẫn đến một cuộc sống đạo đức, nhưng thường bị cho là mơ hồ khi phải chuyển hóa thành một bộ luật cụ thể.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 5

Shariah là bộ luật được đúc rút từ Kinh Qur'an theo cách hiểu của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Ảnh: BCCI.

Có rất nhiều cách giải thích Qur'an về Sharia. Theo một vài hướng, bộ luật có thể đem đến những ưu thế lớn lao cho phụ nữ, nhưng chỉ cần điểm nhìn khác đi, họ hoàn toàn bị triệt tiêu quyền tự do cá nhân.

Các nhà phê bình cho rằng dưới vỏ bọc của luật Hồi giáo, những hạn chế Taliban phổ biến trước đây đối với phụ nữ đã vượt ra ngoài giới hạn của Shariah. Tổ chức này từng thành lập Bộ Thúc đẩy Đức hạnh và Ngăn ngừa theo mô hình của Saudi Arabia, với những cảnh sát đạo đức thi hành việc hạn chế hành vi, trang phục và sự di chuyển của phụ nữ.

Năm 1996, Tổ chức Ân xá Quốc tế ghi nhận một phụ nữ ở Kabul đã bị chặt đứt ngón cái vì sơn móng tay và một phụ nữ khác bị ném đá tới chết vì lý do ngoại tình.

Giáo sư Akbar Ahmed, Chủ tịch Viện nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mỹ giải thích với USA Today rằng, trong bối cảnh văn hóa đương đại, luật Shariah ngày càng gây tranh cãi và bị bóp méo về cách hiểu.

“Tôi đã theo dõi các tuyên bố của Taliban về phụ nữ và nghe phản ứng từ những người phụ nữ ở Afghanistan. Họ hoài nghi các tuyên bố đó và cho rằng đó chỉ là những chiêu bài trước công chúng. Thực tế nằm ở những gì đang diễn ra”, ông Ahmed nói.

Trong khi đó, Abdulaziz Sachedina, một giáo sư về tôn giáo và chính trị tại Đại học George Mason, cho rằng sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực để Taliban áp dụng các chính sách liên quan đến luật Shariah vào nhà nước mới. “Shariah không phải là một hệ thống có thể luật hóa các hành vi thương mại và hành chính. Bộ luật này đã quá xa rời với thế giới hiện đại mà chúng ta biết”, Sachedina bình luận.

Cuộc khủng hoảng của lo âu và bất định

Phụ nữ Afghanistan đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn khi các lực lượng Mỹ đang từng bước rút lui. Gần 250.000 người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa trong những tháng gần đây trước khi Taliban tiếp quản, và theo Cao Ủy của Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR), 80% trong số đó là phụ nữ và trẻ em.

Những phụ nữ vốn tìm đến Kabul để tìm kiếm sự bảo vệ nay lại đang tìm cách rời bỏ Thủ đô. Trong khi một số bỏ trốn cùng gia đình đến sân bay, nhiều người tìm cách quay trở lại nhà ở những khu vực như Kandahar, Jalalabad và Mazar-i-Sharif.

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 6

Phụ nữ xếp hàng chờ nhận thức ăn sau khi Taliban kiểm soát Kabul. Ảnh: BWBX.

Hiện tại, một số chương trình truyền hình, bao gồm các phim truyền hình của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã được Taliban thay bằng các chương trình Hồi giáo. Các chủ doanh nghiệp cũng gỡ ảnh quảng cáo hình phụ nữ khỏi các cửa hiệu, spa chăm sóc sắc đẹp, tiệm áo cưới và trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ do lo sợ bị trừng phạt.

Dù các kênh truyền thông của Taliban nhiều lần phát đi thông điệp hứa hẹn sự bảo vệ đối với phụ nữ, những nhà hoạt động vì nữ quyền tại quốc gia này vẫn tin rằng họ sẽ sớm bị nhóm phiến quân cấm các quyền liên quan đến chính trị, giáo dục, và xã hội.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết tổ chức của ông đã “nhận được những báo cáo lạnh gáy về những hạn chế nghiêm trọng đối với nhân quyền” trên khắp đất nước Afghanistan.

Ông đặc biệt lo ngại về những hành động vi phạm ngày càng gia tăng đối với phụ nữ. Theo một nguồn tin, các chiến binh ở các khu vực phía Bắc trong những tuần gần đây đã nói với các nữ nhân viên của Ngân hàng Quốc tế Afghanistan rằng họ nên rời vị trí làm việc và về nhà. Một số báo cáo cung cho thấy sự hiện diện của các cuộc hôn nhân cưỡng bức.

Taliban vẫn chưa có động thái áp đặt các lệnh hạn chế nữ giới trong khu vực chiếm đóng nhưng các chiến binh được cho là đã chiếm một số ngôi nhà và đốt cháy ít nhất một trường học kể từ ngày 16/8.

Bỏ trốn

Rất nhiều người bày tỏ sự lo ngại về cuộc sống của phụ nữ dưới thời Taliban. Trong đó có Malala Yousafzai, chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2014, người từng bị các tay súng Taliban bắn vào đầu năm 2012 khi đấu tranh cho nữ quyền ở Pakistan, và nữ Thị trưởng trẻ nhất Afghanistan, Maidan Shar.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến, Zarifa Ghafari cho biết: “Không có ai giúp tôi và gia đình. Họ (những tay súng Taliban) sẽ tìm giết những người như tôi. Tôi không thể rời bỏ gia đình của mình. Dù sao đi chăng nữa tôi cũng không biết phải đi đâu.”

 Lược sử và Tương lai của Nữ quyền ở Afghanistan ảnh 7

Những biển quảng cáo phụ nữ bị bôi đen năm 2021. Ảnh: Italy24News.

Maryam Durani, một nhà báo và nhà hoạt động ở Kandahar, người từng cổ xúy quyền được giáo dục của trẻ em gái, nói rằng cô nhận được hàng loạt tin nhắn đe dọa trong tháng này. Các tin nhắn đó cảnh báo mạng sống của cô sẽ gặp nguy hiểm nếu tiếp tục các hoạt động của mình. Trước khi thành phố Kandahar thất thủ, cô đã trốn tới Kabul. “Không có gì bảo đảm an toàn cho tôi vào lúc này. Tôi đang tìm cách để ra đi”, Maryam Durani cho biết.

Tất cả những nhân chứng đã trao đổi với Financial Times trong tuần đầu tiên Taliban chiếm được Kabul cũng cho thấy độ nghi ngờ nhất định về việc nhóm phiến quân hồi giáo này sẽ khác với hai thập kỷ trước.

Một nữ bác sĩ phẫu thuật ở thành phố Herat nói: "Những gì chúng tôi chứng kiến hiện tại cho thấy Taliban đã tinh vi hơn trong việc đánh lừa cả thế giới. Còn hệ tư tưởng và các chính sách của những người này chưa từng thay đổi. Tôi không thể chấp nhận việc bản thân học tập suốt 25 năm ròng, để rồi bị những kẻ thất học cai trị”.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
Tìm hiểu vaccine ngừa ung thư của Nga
(Ngày Nay) - Nga vừa thông báo tuyển tình nguyện viên để thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa ung thư mới có tên là Enteromix. Vaccine do Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang của Bộ Y tế và Viện Y sinh Engelhardt thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga hợp tác điều chế, được Nga tuyên bố là bước đột phá trong cuộc chiến chống ung thư.