Mỏ đồng Mặc Giang - mắt xích quan trọng về nguồn gốc COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào tháng 4 năm 2012, 6 người thợ làm việc trong một mỏ đồng được giao nhiệm vụ làm sạch phân dơi sâu bên trong. Chỉ sau đó một thời gian, nhóm người này đồng loạt mắc bệnh lạ và chỉ còn 3 người sống sót.
Mỏ đồng Mặc Giang - mắt xích quan trọng về nguồn gốc COVID-19

Cụ thể, nhóm công nhân Trung Quốc, độ tuổi từ 30 đến 63, khi đó được giao nhiệm vụ cọ rửa phân dơi. Nhiều tuần sau đó, họ được đưa vào bệnh viện thành phố Côn Minh với những triệu chứng như ho dai dẳng, sốt, đau đầu, ngực và khó thở. Căn bệnh lạ đã khiến 3 người qua đời.

Mỏ đồng này được xác định nằm ở huyện Mặc Giang (tỉnh Vân Nam), cách thành phố Vũ Hán khoảng 1.500 cây số.

Các nhà khoa học Trung Quốc từ Viện Virus học Vũ Hán đã được đưa đến hiện trường để điều tra và sau khi lấy mẫu từ những các cá thể dơi và chuột trong mỏ, họ đã xác định được một loại virus corona mới.

Giờ đây, những câu hỏi về căn bệnh lạ mà 6 người thợ mỏ mắc phải, cùng danh tính của các loại virus thu thập được trong mỏ đồng đang dần trở thành những manh mối chủ đạo để củng cố giả thuyết virus SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, nơi khởi phát những ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 12 năm 2019.

Mỏ đồng Mặc Giang - mắt xích quan trọng về nguồn gốc COVID-19 ảnh 1

Phương Tây đang thúc giục Trung Quốc công bố thêm các thông tin để làm sáng tỏ giả thuyết SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm. Ảnh: EcoHealth Alliance

Ngày 4/6, Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, đã thúc giục Trung Quốc công bố thông tin chính thức về 6 người thợ mỏ mắc bệnh lạ năm 2012 và 3 nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán vào năm 2019.

"Tôi muốn xem hồ sơ bệnh án của 3 người được cho là đã mắc bệnh vào năm 2019. Họ có thực sự bị bệnh không, và nếu có, họ đã bị bệnh gì?", tờ Financial Times dẫn lời ông Fauci. “Những người thợ mỏ mắc bệnh cách đây nhiều năm cũng vậy. Họ có mắc virus không và nó là loại gì?".

Mặc dù danh tính đầy đủ của 6 công nhân chưa được chính phủ Trung Quốc công bố, thế nhưng họ tên, tuổi tác và hồ sơ y tế của họ đã được công bố trong một luận án năm 2013 do một nghiên cứu sinh của Đại học Y Côn Minh tên Li Xu viết

Nghiên cứu của Li, hiện vẫn còn trên kho lưu trữ tài liệu khoa học của Trung Quốc tại trang web cnki.net, đã chỉ ra các triệu chứng của từng bệnh nhân và kết luận họ là nạn nhân của một loại virus "giống SARS" lây nhiễm từ dơi móng ngựa.

Các nhà khoa học quay trở lại mỏ vào cuối năm 2012 đã tìm thấy các mẫu của một mầm bệnh được gọi là "virus Mặc Giang", được tìm thấy ở chuột và không liên quan đến SARS-CoV-2. Nghiên cứu sau đó không thể xác nhận liệu nó có gây ra bệnh lạ cho các thợ mỏ hay không.

Mỏ đồng Mặc Giang - mắt xích quan trọng về nguồn gốc COVID-19 ảnh 2

Viện Virus học Vũ Hán - tâm điểm của giả thuyết về nguồn gốc của SARS-CoV-2. Ảnh: AFP

Theo nhà nghiên cứu Shi Zhengli của Viện Virus học Vũ Hán, các triệu chứng giống như viêm phổi của 6 công nhân là do nhiễm nấm. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm ngoái của Shi và các cộng sự cho biết họ đã xét nghiệm lại 13 mẫu huyết thanh của 4 bệnh nhân và không tìm thấy dấu hiệu nào cho thấy họ bị nhiễm SARS-CoV-2.

Kể từ giữa năm ngoái, luận án của Li đã được lan truyền trực tuyến như một bằng chứng cho thấy một loại virus rất giống với SARS-CoV-2 có thể đã lây nhiễm sang người ngay từ năm 2012.

Mỏ đồng Mặc Giang - mắt xích quan trọng về nguồn gốc COVID-19 ảnh 3

Một số người cũng tin rằng tài liệu này đã cung cấp bằng chứng cho thấy Viện Virus học Vũ Hán đã thu giữ, nghiên cứu và tiến hành các thí nghiệm "tăng cường chức năng" trên các loại virus được tìm thấy trong mỏ Mặc Giang, bao gồm cả RaTG13.

Được xác định lần đầu tiên vào năm 2016, RaTG13 có bộ gen giống SARS-CoV-2 tới 96,2%, theo nghiên cứu do Shi Zhengli và các nhà nghiên cứu khác công bố vào đầu tháng 2 năm 2020, chỉ vài tuần sau khi ca bệnh COVID-19 đầu tiên được xác định ở Vũ Hán.

Từ năm 2012 đến năm 2015, các nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán đã xác định có tới 293 virus corona trong và xung quanh mỏ đồng Mặc Giang. Vào tháng 11 năm 2020, Viện này đã công bố sự tồn tại của 8 mẫu virus corona "loại SARS" khác được lấy từ địa điểm này.

Theo bà Shi Zhengli, cả 8 loại virus trên đều không có điểm tương đồng với SARS-CoV-2 bằng RaTG13. Điều quan trọng là không ai trong số họ sở hữu miền liên kết thụ thể (receptor-binding domain) chính cho phép SARS-CoV-2 lây nhiễm sang người một cách hiệu quả.

Nghiên cứu của Shi và các cộng sự kết luận rằng “bằng chứng thí nghiệm không thể hỗ trợ” tuyên bố rằng SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời kêu gọi “lấy mẫu theo chiều dọc và hệ thống hơn đối với dơi, tê tê hoặc các động vật trung gian có thể có khác” để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Theo Reuters,Wall Street Jounal,Financial Times
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.