Cảnh sát Đức cho biết đã có hơn 90 người thiệt mạng ở huyện Ahrweiler (bang Rheinland-Pfalz). Đây là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.
Trong khi đó, 43 người khác được xác nhận đã chết ở bang North Rhine-Westphalia lân cận. Trung tâm khủng hoảng quốc gia của Bỉ xác nhận nước này có ít nhất 24 người chết.
Ngay sau khi lũ lụt xảy ra vào thứ Tư và thứ Năm, các nhà chức trách Tây Âu đã lên danh sách những người mất tích và triển khai công tác cứu hộ. Nhiều khu dân cư hiện vẫn chưa có điện và sóng điện thoại.
Do mưa lớn, nước sông Erft đã tràn qua bờ gây ra thiệt hại lớn cho thị trấn Erftstadt. Ảnh: AP |
Những trận mưa lớn dài ngày đã khiến mực nước tại những con sông nhỏ dâng cao gây ngập úng đường phố, cuốn trôi xe cộ và phá hủy nhà cửa.
“Rất nhiều người đã mất tất cả những gì họ dành cả đời để gây dựng - tài sản, nhà cửa”, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeiern phát biểu trước báo giới. "Sẽ mất khoảng vài tuần để xác định mức độ thiệt hại".
Khoảng 700 người đã phải sơ tán khỏi một phần thị trấn Wassenberg của Đức, giáp biên giới với Hà Lan, sau vụ vỡ đê trên sông Rur.
Trên khắp biên giới phía đông của Bỉ, các tuyến đường sắt và đường bộ vẫn bị phong tỏa ở nhiều khu vực.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã đến thăm các thị trấn bị thiệt hại do lũ lụt hôm thứ Bảy.
Người dân đi bộ trong dòng nước lũ ở Pepinster, Bỉ. Ảnh: AP |
Các khu vực phía nam của Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn. Các tình nguyện viên đã làm việc suốt đêm để đắp đê và bảo vệ đường xá. Hàng nghìn cư dân đã được phép trở về nhà vào sáng thứ Bảy sau khi được sơ tán vào thứ Năm và thứ Sáu.
“Hết thảm họa này đến thảm họa khác. Nhưng chúng tôi sẽ không bỏ rơi người dân", Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố.
Tại Thụy Sĩ, mưa lớn đã khiến một số sông và hồ bị vỡ bờ, chính quyền thành phố Lucerne đã đóng cửa một số cây cầu dành cho người đi bộ bắc qua sông Reuss.