"Các biện pháp gây áp lực mạnh chưa từng có sẽ cho Iran thấy sự cô lập và trì trệ mà họ phải đối mặt cho tới khi Tehran thay đổi về căn bản những hành động gây bất ổn của mình", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin hôm nay tuyên bố, sau khi lệnh cấm vận hơn 300 công ty và cá nhân trong ngành dầu khí, ngân hàng Iran bắt đầu có hiệu lực.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tái áp đặt cấm vận nhằm vào 50 ngân hàng Iran và các công ty con, 200 cá nhân và phương tiện trong ngành vận tải, cũng như hãng hàng không quốc gia Iran Air và phi đội 65 máy bay dân dụng. Những biện pháp này từng được gỡ bỏ sau khi Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc hồi năm 2015.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi đây là "lệnh trừng phạt cứng rắn nhất" từng nhằm vào Iran. Loạt biện pháp cấm vận là kết quả rõ ràng nhất kể từ khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5.
Mục tiêu chính của Washington là hạn chế doanh thu từ ngành công nghiệp dầu mỏ của Tehran. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm buộc Iran chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như ngừng can thiệp vào các xung đột tại Yemen, Syria, Lebanon và một số vùng tại Trung Đông.
Mỹ cung cấp quy chế miễn trừ cấm vận với 8 quốc gia tiêu thụ nhiều dầu thô của Iran, trong đó có Trung Quốc. Những nước này tiếp tục được mua dầu từ Iran với điều kiện đã hạn chế nhập khẩu, cũng như hứa cắt giảm nguồn dầu thô từ Tehran trong tương lai.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố các biện pháp "bắt nạt" của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng Iran sẽ chỉ phản tác dụng, khiến Washington ngày càng bị cô lập.
Nhiều cường quốc châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Tehran, đồng thời phản đối việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt. Trung Quốc tỏ ý hối tiếc vì quyết định của chính phủ Mỹ.