“Mỹ sẽ 'tất tay' đặt cược vào tương lai của châu Phi”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Washington D.C, có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo châu Phi từ 49 quốc gia và Liên minh châu Phi.
Cuộc hội nghị thượng đỉnh cũng như những tuyên bố của Tổng thống Biden nhằm mục đích định vị các nước tại khu vực châu Phi là những đối tác quan trọng của Mỹ trong bối cảnh cạnh tranh giữa nước này và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng quyết liệt hơn. Hiện nay, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực này bằng cách cung cấp các khoản viện trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Phi hiện cao gấp 4 lần so với Mỹ. Đối với khu vực này, Bắc Kinh cũng là một chủ nợ lớn, thường xuyên cung cấp các khoản vay ưu đãi, dễ tiếp cận hơn so với phương Tây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết một thỏa thuận mới với Khu vực Thương mại Tự do Lục địa Châu Phi sẽ giúp các công ty của nước này dễ tiếp cận với thị trường có đến 1,3 tỷ người và trị giá lên đến 3,4 nghìn tỷ USD. Ngay trong khuôn khổ hội nghị, một số công ty của Mỹ, như General Electric Co (GE.N) và Cisco Systems Inc (CSCO.O), cũng đã thực hiện ký kết hợp tác đầu tư.
“Khi châu Phi thành công, Mỹ sẽ thành công. Thành thật mà nói, cả thế giới cũng sẽ thành công”, ông Biden nhấn mạnh.
Tại hội nghị thượng đỉnh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cam kết chi 55 tỷ USD nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước châu Phi trong các lĩnh vực an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thương mại và các vấn đề khác. Bên cạnh đó, ông Biden cũng bày tỏ sự ủng hộ trong việc kết nạp Liên minh châu Phi trở thành thành viên thường trực của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20).
Đây là cuộc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các nước khu vực châu Phi kể từ một sự kiện tương tự vào năm 2014 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Joe Biden cũng đã có cuộc gặp với lãnh đạo một số nước, bao gồm Gabon và Liberia, để thảo luận về cuộc bầu cử tại các quốc gia này vào năm 2023. Ông Biden sau đó đã cùng Thủ tướng Maroc Aziz Akhannouch xem trận bán kết World Cup 2022 giữa Pháp và Maroc - quốc gia châu Phi đầu tiên lọt vào đến vòng bán kết giải đấu danh giá nhất hành tinh.
Hội nghị thượng đỉnh là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Phi. Trong hơn hai thập kỷ qua, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo nước này và các nhà lãnh đạo châu Phi với tần suất ba năm một lần.
Một số quan chức của Mỹ cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này giống như một phần trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tại khu vực châu Phi. Tuy vậy, nhưng ông Biden đã không đề cập đến Trung Quốc trong bài phát biểu của mình, phía chính phủ Mỹ cũng đã giảm bớt những lời chỉ trích về các khoản vay và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh tại đây.
Ngày 13/12, khi trao đổi các đối tác tại khu vực châu Phi, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ hiện đang cân nhắc xem xét lại các chương trình ưu đãi thương mại của nước này nhằm thúc đẩy đầu tư tại khu vực.
Trong một tuyên bố được đưa ra, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư từ phía Mỹ tại thị trường châu Phi, đồng thời cho biết nước này đang lên kế hoạch về “một cuộc thảo luận hai chiều” về thương mại, đầu tư và cơ hội tăng trưởng kinh tế. Các nhà lãnh đạo châu Phi bày tỏ sự hoan nghênh đối với cách tiếp cận này của chính quyền Mỹ.
“Thay vì xuất khẩu hàng hóa, Mỹ nên tìm kiếm cơ hội đầu tư. Phía Mỹ có máy móc, có phương pháp, vậy hãy đến châu Phi để sản xuất nhằm phục vụ cho thị trường châu Phi”, Tổng thống Kenya William Ruto khẳng định.
Tổng thống Ruto đã trích dẫn các dự báo tăng trưởng, cho biết lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp của châu Phi sẽ tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2030, lên mức lên 1 nghìn tỷ USD. Ông cũng cho biết vốn đầu tư của Mỹ có thể sẽ giúp giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, thiếu hụt cơ sở hạ tầng chất lượng tại châu Phi, qua đó tạo động lực cho sự phát triển tại khu vực này.
Theo phân tích của Eurasia Group, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt 254 tỷ USD, vượt xa con số 64,3 tỷ USD giữa Mỹ và châu Phi. Vào năm 2002, những con số này lần lượt chỉ ở mức 12 tỷ USD và 21 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã liên tục chỉ trích gay gắt “những bẫy nợ” từ phía Trung Quốc khiến cho nhiều nước châu Phi đang phải đối mặt với những khoản nợ chồng chất. Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời chỉ ra rằng các khoản nợ của các nước châu Phi với phương Tây thậm chí nhiều gấp ba lần.
Trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Phi, Đại sứ Ethiopia tại Liên Hợp Quốc Taye Atske Selassie Amde nhấn mạnh: “Cả hai quốc gia này đều có tầm quan trọng như nhau đối với sự phát triển của châu Phi. Mỗi quốc gia trong khu vực đều sẽ xác định mối quan hệ tương ứng dựa trên lợi ích quốc gia của họ”.