"Triều Tiên và Mỹ đã đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán tại một nước thứ ba nằm ở châu Á trong tuần sau", Kim Eui Kyeom, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ngày 10/2 trả lời báo giới.
Ông từ chối tiết lộ chi tiết cuộc đàm phán sắp tới và quốc gia được chọn làm nơi tổ chức đàm phán, theo AFP.
Trước đó một ngày, Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, nhấn mạnh chính phủ hai nước cần đối thoại thêm trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2.
Ông Biegun đã có chuyến làm việc kéo dài ba ngày tại Bình Nhưỡng vào đầu tháng 2, tham gia các cuộc họp trù bị với những quan chức Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nội dung thảo luận tập trung vào "cam kết phi hạt nhân hóa toàn diện, chuyển hóa quan hệ Mỹ - Triều và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên".
Trong Thông điệp Liên bang đọc trước quốc hội hôm 5/2, Tổng thống Trump cho biết ông đã chọn Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Kim.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc gặp ở Hà Nội cần phải mang lại những thông tin cụ thể hơn về cách thức Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân, bao gồm các biện pháp định lượng để chứng minh quá trình giải giáp.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo được cho là còn thiếu tính cụ thể trong các cam kết "hướng đến bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa". Quá trình đàm phán hậu thượng đỉnh cũng rơi vào bế tắc do những khác biệt về cách diễn giải khái niệm phi hạt nhân hóa và lộ trình gỡ bỏ cấm vận quốc tế đối với Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 6/2 đã hoan nghênh lãnh đạo hai nước tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai và ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
"Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực, phối hợp với các bên liên quan để cuộc gặp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai thành công, góp phần vào mục tiêu nói trên", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói.