Nga chuẩn bị chấm dứt hàng chục hiệp ước với châu Âu

(Ngày Nay) - Tổng thống Nga Putin đã đề nghị Quốc hội nước này thông qua luật để chấm dứt 21 hiệp ước và điều lệ liên quan đến Hội đồng châu Âu.
Trụ sở Hội đồng châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AFP
Trụ sở Hội đồng châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Tổng thống Vladimir Putin ngày 17/1 đã yêu cầu các nhà lập pháp Nga thông qua một đạo luật chính thức chấm dứt sự tham gia của Moskva vào 21 hiệp ước và hiến chương liên quan đến Hội đồng châu Âu.

Trước đó, Nga đã rút khỏi cơ quan nhân quyền vào tháng 3 năm ngoái, nói rằng cơ quan này bị Mỹ và các đồng minh khống chế để phục vụ các mục tiêu chính trị của phương Tây.

Ông Putin đã chính thức đệ trình dự luật chấm dứt các hiệp ước lên Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin, theo các điều khoản của Luật Liên bang năm 1995.

Trong số 21 hiệp ước sẽ ngừng áp dụng với Nga có hiến chương của Hội đồng châu Âu (CoE), Công ước Bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, Công ước châu Âu về trấn áp khủng bố, Hiến chương châu Âu về tự quản địa phương và Hiến chương Xã hội châu Âu. Hội đồng châu Âu cũng sẽ mất quyền miễn trừ và đặc quyền được cấp bởi hiến chương CoE.

Hội đồng châu Âu được thành lập vào năm 1949 bởi một số quốc gia Tây Âu, với sứ mệnh thúc đẩy "dân chủ, nhân quyền và pháp quyền". Nga gia nhập tổ chức này vào năm 1996 và năm 1998 đã phê chuẩn Công ước Nhân quyền.

Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, 42 trong số 47 thành viên Hội đồng châu Âu đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga, với lý do cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã lên án quyết định “chính trị công khai” mà cơ quan trên danh nghĩa trung lập này đưa ra đứng về phía Mỹ và NATO, đồng thời rút khỏi CoE vào ngày 15/3, cáo buộc tổ chức này là "nền tảng thuận tiện cho các chiến dịch chính trị và thông tin của NATO". Moskva cũng tuyên bố sẽ chỉ gửi số tiền đóng góp theo tỷ lệ cho năm 2022 vào ngân sách CoE, với 5,7 triệu euro.

Vào tháng 6/2022, Tổng thống Putin đã ký một đạo luật tuyên bố tất cả các phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu sau ngày 15/3 là vô hiệu đối với Nga. Moskva chính thức bãi bỏ công ước chấp nhận quyền tài phán của Hiến chương châu Âu về nhân quyền (ECHR) vào tháng 9/2022. Tiếp đó, tháng 10/2022, Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu (PACE) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các nước thành viên tuyên bố "chế độ Nga hiện tại là chế độ khủng bố."

Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022 với lý do Kiev không thực hiện Thỏa thuận Minsk, được thiết kế để trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk quy chế đặc biệt trong nhà nước Ukraine.

Cũng trong tháng 2/2022, Điện Kremlin công nhận các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbas, Ukraine là các quốc gia độc lập, và yêu cầu Ukraine chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập, không bao giờ tham gia bất kỳ khối quân sự phương Tây nào.

Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga hoàn toàn vô cớ và tuyên bố sẽ chiến đấu để giành lại quyền kiểm soát mọi vùng lãnh thổ đã được Liên hợp quốc công nhận, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.