Theo Reuters, lãnh đạo 4 nước Nga, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp trong một hội nghị thượng đỉnh tại Istanbul để thảo luận về Syria, nơi bạo lực tại thành trì cuối cùng của phiến quân cho thấy sự mong manh trong một thỏa thuận ngăn chặn tấn công của chính phủ.
Ankara, từng hỗ trợ lực lượng chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Matxcơva, đồng minh chính của Assad, đã đàm phán một thỏa thuận tạo ra khu vực phi quân sự tại khu vực phía Tây Bắc Idlib, Syria hồi tháng 9. Idlib và các khu vực liền kề là nơi chiếm đóng cuối cùng của lực lượng nổi dậy chống lại Assad năm 2011. Khu vực là nơi ở của khoảng 3 triệu người dân, hơn một nửa trong số đó đã chạy trốn đến các khu vực khác khi lực lượng chính phủ dâng cao.
“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đàm phán một thỏa thuận cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Chúng tôi đã đảm bảo về điểm này… Tất cả chúng tôi sẽ vô cùng cẩn trọng để đảm bảo những cam kết này được thực hiện và quá trình ngừng bắn lâu dài và ổn định” – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phóng viên.
“Chúng tôi trông chờ Nga sẽ đưa ra áp lực rõ ràng với chính quyền (Syria) mà họ đã giúp tồn tại” – ông nói.
Theo Reuters, bắn phá ở Idlib ngày 26/10 khiến ít nhất 7 dân thường thiệt mạng – con số lớn nhất trong một ngày kể từ khi những cuộc không kích của Nga dừng lại vào giữa tháng 8, một nhà quan sát cho biết.
Theo thỏa thuận tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đồng ý thành lập khu vực đệm chạy dài 15-20 km vào lãnh thổ phiến quân và phiến quân phải sơ tán tất cả vũ khí hạng nặng và binh sỹ thánh chiến.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn thành nghĩa vụ về thỏa thuận Idlib. Quá trình này không đơn giản, và Nga có kế hoạch tiếp tục hợp tác, ông nói.
Các lãnh đạo Macron, Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kêu gọi tập hợp một ủy ban hiến pháp cuối năm 2018. Ông Erdogan nói việc này cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Các thành viên tham gia hội thảo hòa bình Syria ở Nga hồi tháng 1 đồng ý hình thành ủy ban 150 thành viên để viết lại hiến pháp Syria, với một phần ba thành viên do chính phủ lựa chọn, một phần ba do các nhóm đối lập và một phần ba do Liên Hợp Quốc lựa chọn.
Đại sứ Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura nói với Hội đồng an ninh ngày 26/10 rằng Damascus muốn Liên Hợp Quốc tạo điều kiện để viết lại hiến pháp nhưng không muốn Liên Hợp Quốc đọc tên một phần ba số thành viên ủy ban.