Dù mục đích chính là dự các hội nghị ngoại trưởng thường niên của ASEAN tại Philippines, nhưng ông Tillerson cũng sẽ tìm cách thúc đẩy những ưu tiên chủ chốt của chính quyền Mỹ với các đồng minh và đối tác chính, trong bối cảnh có nhiều lo ngại và bất ổn ở khu vực.
Theo giới quan sát, Ngoại trưởng Rex Tillerson chắc chắn sẽ tìm cách thúc đẩy những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Donald Trump, nhưng điều ông không thể né tránh là hàng loạt câu hỏi về chính sách hiện nay của Mỹ đối với khu vực và rộng hơn là cả thế giới.
Sau Đối thoại Shangri-La diễn ra hồi tháng 6 tại Singapore, có một nỗi lo lắng rất lớn trong khu vực khi thiếu vắng sự nhất quán trong chính sách châu Á của chính quyền Mỹ, bao gồm cả vấn đề liên quan việc ông Tillerson hay các quan chức cấp cao khác như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ còn làm công việc hiện tại bao lâu.
Về chương trình nghị sự chính thức, sự kiện chính trong chuyến đi của ông Tillerson đến Đông Nam Á từ ngày 5 tới 9/8 sẽ là tham dự hàng loạt hội nghị ngoại trưởng ASEANvà các đối tác. Tại các hội nghị này, đáng chú ý nhất là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ông Tillerson dự kiến nhấn mạnh các vấn đề an ninh châu Á mà chính quyền Mỹ quan tâm nhất. Triều Tiên chắc chắn sẽ là vấn đề được nêu đậm nhất, nhưng các vấn đề khác như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và biển Đông cũng sẽ được nhấn mạnh, các nhà phân tích nhận định.
Ngoài việc thúc đẩy một chương trình nghị sự hẹp, ông Tillerson cũng sẽ phải đưa ra quan điểm trong nhiều cuộc gặp đa phương khác. Ví dụ, hội nghị bộ trưởng Mỹ - ASEAN năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì là dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy thêm một danh sách dài những ưu tiên đã được vạch ra từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama năm 2015, với một số vấn đề vẫn tiếp tục được thảo luận dưới thời của Tổng thống Trump như tại Hội nghị đặc biệt Mỹ - ASEAN diễn ra vào tháng 5 năm nay.
Những cuộc họp hẹp hơn như Hội nghị bộ trưởng về sáng kiến hạ nguồn Mekong, ra đời từ thời ông Obama, cũng sẽ tạo thêm cơ hội để chính quyền Mỹ hiện nay bắt đầu xây dựng một chương trình đa phương rộng hơn ngoài những lợi ích cụ thể mà họ tập trung cho đến nay. Ngoài những hội nghị này, ông Tillerson còn có những cuộc gặp bên lề với quan chức từ các đối tác và đồng minh khu vực.
Hàn gắn với các đối tác
Theo giới quan sát, chuyến đi của ông Tillerson sẽ mở ra cơ hội để chính quyền Trump tăng cường hợp tác với những đối tác và đồng minh song phương ở Đông Nam Á, có vai trò quan trọng để bảo đảm những lợi ích của Mỹ. Chuyến đi đến Manila đặc biệt có ý nghĩa không chỉ vì Philippines là nước vạch ra chương trình nghị sự năm nay mà còn vì Philippines, đồng minh hiệp ước của Mỹ, là một bên liên quan trong tranh chấp ở biển Đông và là một trung tâm mà IS đang muốn mở rộng ảnh hưởng đến Đông Nam Á.
Dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang tìm cách tái cân bằng sau thời gian quá phụ thuộc vào Washington để tăng cường quan hệ với những nước khác như Trung Quốc và Nga, chính quyền của Tổng thống Duterte và bản thân ông không thể phủ nhận Philippines và Mỹ chung nhiều lợi ích trong các vấn đề như chống khủng bố và chia sẻ nhiều liên kết thể chế chặt chẽ.
Ông Tillerson cũng sẽ có chặng dừng chân ở Thái Lan, một đồng minh hiệp ước khác của Washington ở Đông Nam Á. Dù quan hệ hai nước lạnh nhạt hơn sau cuộc đảo chính và quân đội Thái Lan lên nắm quyền từ tháng 5/2014 nhưng đang dần được cải thiện. Điều này rất có ý nghĩa khi Washington nhận ra Bangkok đóng vai trò quan trọng để Mỹ thúc đẩy các lợi ích của mình ở khu vực, còn chính quyền quân sự Thái Lan đang phải đối mặt nhiều thách thức chính trị nội bộ.
Dù cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha không diễn ra vào tháng trước nhưng hai bên đã tổ chức vòng đối thoại thứ 6 của cơ chế đối thoại chiến lược Mỹ - Thái Lan, một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai nước đang dần trở lại bình thường sau giai đoạn băng giá vì phản ứng của chính quyền Obama đối với cuộc đảo chính. Quan hệ hai nước đã đạt được một số tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, dù nhiều khác biệt còn tồn tại.
Ông Tillerson cũng sẽ dừng chân ở Malaysia sau khi dự các cuộc họp của ASEAN tại Philippines. Quan hệ Mỹ - Malaysia ban đầu rất nồng ấm dưới thời chính quyền Obama, với việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của ông Obama đến Malaysia. Nhưng những diễn biến gần đây như cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan Thủ tướng Najib Razak cũng như việc Malaysia đang nghiêng về Trung Quốc đã làm ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ, các nhà phân tích nhận định.
Theo họ, dù Malaysia không phải nước đồng minh hiệp ước của Mỹ, nhưng việc Malaysia là một nước liên quan trên biển Đông, là một thành viên của Liên minh toàn cầu chống IS do Mỹ đứng đầu, và cũng bị tác động bởi những hành động của Triều Tiên, chính quyền của ông Trump có thể nhận thấy cần tăng cường hợp tác với Kuala Lumpur trong chính sách châu Á của mình.