Người biểu tình New York tiếp tục tuần hành bất chấp giới nghiêm

Lệnh giới nghiêm từ 20h không ngăn được hàng nghìn người biểu tình tuần hành trên phố New York trong đêm 2/6. Nhưng bạo loạn, cướp phá của các đêm trước đã giảm nhiều.
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York. Ảnh: New York Times.
Cảnh sát yêu cầu một thiếu niên tuân thủ lệnh giới nghiêm sau 20h ở khu Bronx, New York. Ảnh: New York Times.

Lệnh giới nghiêm toàn thành phố được ban hành đến ngày 7/6 sau hai đêm mà New York chứng kiến các vụ đập phá, hôi của ở nhiều nơi, dù biểu tình ban ngày là ôn hòa.

Thị trưởng Bill de Blasio kêu gọi mọi người tuân theo lệnh giới nghiêm, nhưng từ chối đề nghị trợ giúp của Thống đốc bang Andrew Cuomo và lời yêu cầu của Tổng thống Donald Trump về việc điều động Vệ binh Quốc gia.

“Mọi người, đã đến lúc về nhà để chúng tôi có thể giữ cho tất cả được an toàn”, ông nói trên đài phát thanh WINS-AM khi khung giờ giới nghiêm vừa bắt đầu.

Nhưng người biểu tình vẫn tuần hành qua các con phố - cùng với hàng nghìn người trên nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, phản đối vụ việc cảnh sát da trắng làm chết George Floyd, một người da đen, vào ngày 25/5.

“Tôi không nghĩ họ sẽ cho chúng tôi tiếp tục, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục và sẽ không dừng lại”, Risha Munoz, ở khu phía bắc Manhattan, nói với AP.

“Sẽ có bên nào phải nhường thôi, và sẽ không phải là chúng tôi”, Evan Kutcher, một trong hàng trăm người biểu tình đang hô vang tên George Floyd bên ngoài Trung tâm Barclays vào tối 2/6, nói.

Cảnh sát bắt đầu bắt giữ người biểu tình vào khoảng 21h và chặn cao tốc West Side ở phía nam Manhattan. Cảnh sát tuyên bố sẽ không cho xe cộ đi lại xuống phía nam cao tốc này sau giờ giới nghiêm, nhưng người dân sống dọc khu đó cũng như nhân viên thiết yếu và xe chở hàng được miễn.

“Chúng ta sẽ có những ngày khó khăn. Chúng ta sẽ vượt qua”, Thị trưởng de Blasio cho biết.
Jane Rossi cho biết cô chứng kiến cảnh sát kéo một người đàn ông ra khỏi xe và bắt giữ anh ta ở khu Chelsea khoảng 22h45.

Chiếc xe này đi sau một nhóm vài trăm người biểu tình đã tuần hành quanh Manhattan một cách ôn hòa kể từ khi rời khỏi Tháp Trump vào 20h. Trước vụ bắt giữ, tình hình trở nên căng thẳng khi một số người trong nhóm bắt đầu phá hoại một trạm cho thuê xe đạp và đập vào cửa sổ của cửa hàng JCPenny’s. Nhưng đa số người biểu tình chạy lại để chặn họ. Cảnh sát sau đó bao vây chiếc xe và bắt giữ người trong xe.

Cảnh sát New York cũng bao vây, chặn và xô đẩy hai phóng viên AP đang đưa tin về cuộc biểu tình, còn la hét và chửi bới để lệnh cho họ về nhà, mặc dù có lệnh cho phép báo chí được ra ngoài đường trong giờ giới nghiêm.

Đến sau nửa đêm, đa phần đường phố New York đã được giải tán, chỉ còn cảnh sát đi tuần, đặc biệt là các vùng nóng biểu tình như ở Brooklyn và Manhattan.

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.