Suốt nhiều năm, ông Cheng cùng gánh mỳ nhỏ của mình chỉ phục vụ các thực khách quen thuộc với mức giá khiêm tốn, chỉ 3 tệ (hơn 10.000 đồng) một bát.
Tuy nhiên, cuộc sống yên bình của ông Cheng bỗng hoàn toàn thay đổi sau khi một vlogger ẩm thực tình cờ ghé thăm quán của ông. Bị thu hút bởi quán mỳ mộc mạc vùng nông thôn Sơn Đông, người này quyết định quay một video về Cheng, người được cô đặt tên là “Ông anh bán mì”.
Khi được đăng lên Douyin, video đã nhanh chóng lan toả và được nhiều người yêu thích, thu về hơn 200 triệu lượt xem. Các video về "Ông anh bán mỳ" Cheng Yunfu đều đang thuộc top thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc.
Sự xuất hiện của hàng trăm người lạ mặt đã gây xáo trộn cuộc sống của ông Cheng. |
Sau đó, nhiều người hiếu kỳ đã bắt đầu tìm đến quán mỳ của Cheng để tận mắt chứng kiến một hiện tượng mạng. Chẳng bao lâu sau, đám đông đổ xô tới nơi ông sống, gây nên tình trạng hỗn loạn, buộc ông chủ quán mỳ phải trốn trong nhà.
Ông Cheng liên tục bị làm phiền, quấy nhiễu bởi các vlogger, những người cho biết đã đi một chặng đường dài để gặp ông. Họ làm đủ mọi cách để quay một video với ông, thậm chí nhảy lên ô tô hay trèo qua tường nhà và la hét tên ông.
Ở vùng nông thôn Trung Quốc, những cảnh tượng như vậy ngày càng trở nên phổ biến. Giờ đây, livestream (phát trực tiếp) không chỉ là xu hướng thịnh hành ở giới trẻ, nó còn là phương thức để thoát nghèo cho hàng triệu người Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 đã ngày càng khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, và livestream trên Douyin trở thành một cứu cánh khả dĩ, khiến nhiều người lao vào cuộc săn đuổi các nội dung độc, lạ, thịnh hành để có được số lượt xem cần thiết.
Câu chuyện về quán mỳ của ông Cheng đã cho thấy tác động tiêu cực mà mạng xã hội và các vlogger đem đến cho nhiều người bỗng dưng nổi tiếng chỉ sau một đêm.