Ở tuổi 39, ông Macron sẽ là Tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, chiến thắng này chỉ là khởi đầu của một trận chiến khốc liệt hơn với ông Macron khi nước Pháp đang đứng trước nguy cơ khủng bố, khủng hoảng nhập cư và cả tương lai mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).
Một điều không thể chối cãi là Macron đã đem lại một luồng gió tươi mát cho nền chính trị đã già cỗi, bảo thủ và cứng nhắc của nước Pháp.
Sự xuất hiện và đắc cử của vị tân tổng thống Pháp hôm nay chỉ là minh chứng cho luật tự nhiên đang vận hành: "Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản". Nước Pháp hôm nay giống như đang ở trong đêm trước của cuộc cách mạng tư sản 1789.
Tất cả khủng hoảng mà châu Âu và Pháp đang phải đối mặt là báo trước cho một sự đột phá có tính cách mạng: cái mới sẽ ra đời thay thế cho cái cũ, lạc hậu. Sau hơn 200 năm của cuộc cách mạng tư sản, nước Pháp đã đi vào lối mòn, ngủ quên trên ánh hào quang của tinh thần tự do, dân chủ.
Trong suốt mấy thập kỷ gần đây, người ta chỉ thấy một nước Pháp già cỗi, thủ cựu và dễ tổn thương trong sự tương tác toàn cầu.
Macron ra tranh cử nhưng không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào |
Nhưng một điều không thể phủ nhận, trong huyết mạch của mỗi người Pháp vẫn ẩn tàng tất cả những giá trị của Chân - Thiện - Mỹ của nền văn minh mà lịch sử để lại. Hơn hết, tận sâu cùng, họ vẫn khao khát về một nước Pháp vĩ đại, văn minh, dân chủ mà vẫn không mất đi vẻ lãng mạn vốn là đặc trưng của xứ sở những chú gà trống thành Gaulois). Vì vậy, dễ hiểu sự xuất hiện của Macron và chiến dịch tranh cử của ông đã làm thỏa cơn khát của gã khổng lồ mới thức dậy sau giấc ngủ vùi hơn 200 năm.
Điều đầu tiên đáng lưu ý là Macron phá vỡ mọi quy tắc, trật tự đã có tiền lệ trong nền chính trị Pháp cũng như các quốc gia phương Tây khác khi ông ra tranh cử nhưng không phải là đảng viên của bất cứ đảng nào. Sau khi rời chính phủ vào năm ngoái, ông thành lập phong trào chính trị riêng của mình với tên En Marche! (tiến lên) mà ông cho là "không tả cũng không hữu" cùng cam kết "cách mạng" nền chính trị Pháp "mục ruỗng và dốt nát".
Đây chính là điểm cộng của Macron khi ông chọn trung lập trong mọi vấn đề liên quan đến nước Pháp, EU và thế giới. Đương nhiên, sự trung lập này không bao hàm sự thủ cựu, cứng nhắc hay sự ôn hòa thái quá. Cần lưu ý là quan điểm "Trung Đạo" đã xuất hiện từ khởi thủy của các tôn giáo lớn, nó luôn được xem vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh để cá nhân có thể đạt sự giải thoát. Trở lại hiện thực nước Pháp trong mấy thập niên gần đây, trước những nan đề mà nước Pháp đang phải đối mặt thì hai đảng phái cánh tả, cánh hữu giải quyết tỏ ra không hiệu quả.
Vì vậy, chiến dịch tranh cử của Macron được xem là luồng gió mới thổi vào đời sống xã hội nước Pháp. Điều này thể hiện ở việc đối lập với ứng viên cực hữu Le Pen, Macron chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ủng hộ EU, ủng hộ tự do thương mại và cả người nhập cư. Tư tưởng cởi mở này như một làn gió mát lành đánh thức những giá trị về Tự do, Bình đẳng, Bác ái đã từng làm nên một nước Pháp vĩ đại trong lịch sử. Do vậy, nó đem lại niềm hy vọng cho những người dân Pháp ở cả tầng lớp tinh hoa và bình dân.
Đây chính là điều khác biệt trong triết lý tranh cử của Donald Trump và Macron. Trump hứa sẽ làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại lần nữa như nó đã từng bằng cách thức cực đoan, độc tài và hơn hết là không - phải - bằng - sự - minh - triết.
Do đó, Macron thậm chí từng kêu gọi các học giả, doanh nhân và nhà khoa học Mỹ chuyển đến Pháp nếu cảm thấy hoang mang trước nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.
Mùa bầu cử năm nay tại Pháp ghi dấu sự thất bại thảm hại của các đảng truyền thống. Đây là lần đầu tiên không có ứng viên nào từ các đảng Cộng hòa và Xã hội của Pháp lọt vào vòng hai trong 6 thập kỷ qua.
Cuối cùng thì người Pháp đã chọn "làn gió mới" Macron thay vì chọn "sự giận dữ của người Pháp" Le Pen. Nước Pháp giờ đây sẽ bước sang một trang mới, đầy hứng khởi và hy vọng.
Cầu chúc cho nước Pháp xác lập được vị thế của nó dựa trên sự thông tuệ, Bình đẳng, Bác ái và Tự do.