Những ngày cuối năm, khi mọi người hối hả sắm Tết, ông Trần Văn Công, Tổng giám đốc Công ty cổ phần GXO lại đang ráo riết thực hiện kế hoạch đánh bật Uber, Grab tại thị trường Việt Nam.
Khởi nghiệp ở tuổi 47 với 500.000 USD
Chia sẻ với Zing.vn, ông Công cho hay năm 1992, ông có trong tay 2 tấm bằng đại học chuyên ngành ngoại ngữ, kinh tế. Từ đó đến nay, ông chủ yếu làm việc cho các công ty nước ngoài, từng kinh qua nhiều vị trí công việc từ tiếp thị, nhân viên phục vụ tới trưởng đại diện của công ty tại Việt Nam.
Nhờ lợi thế về ngoại ngữ, ngay từ những ngày đầu tốt nghiệp đại học, ông đã kiếm được những việc lương cao, khởi điểm đã 200 USD/tháng (năm 1992). Đến giờ, ở vị trí trưởng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, lương của ông là vài nghìn USD, ngang với một CEO và hẳn là mơ ước của nhiều người.
Nói về lý do khởi nghiệp của mình, ông cho biết trong một lần ngồi cà phê với bạn bè, mọi người đều trăn trở tại sao Mỹ có Uber, Malaysia có Grab, họ đưa dịch vụ vào Việt Nam và gặt hái được thành công như thế còn người Việt không làm được.
“Cá nhân tôi nghĩ làm cho công ty nước ngoài cũng tốt, nhưng nhiều áp lực. Hơn nữa về lâu dài nếu cứ đi làm thuê mình sẽ không có gì của riêng mình hết trong khi tôi phải nuôi hai con ăn học. Một cháu đang du học ở Mỹ, bé còn lại chắc một vài năm nữa tôi cũng cho đi du học. Tôi muốn con tôi có tương lai tốt đẹp hơn”, ông nói.
Kể từ đó, ông nung nấu ý tưởng tạo ra dịch vụ vận chuyển bằng xe gắn máy mang thương hiệu Việt tương tự như Uber, Grab. Đến cuối năm 2016, ông quyết định khởi nghiệp với ý tưởng này dù không còn trẻ.
“Dự kiến tôi đầu tư khoảng 500.000 USD cho dự án này. Phần chi phí tốn kém nhất để biến ý tưởng thành hiện thực tôi nghĩ đó là marketing để mọi người biết đến dịch vụ của mình còn chi phí để viết phần mềm ứng dụng không nhiều”, ông nói thêm.
Tạo ra sự khác biệt để thành công
Ông Công chọn đúng năm tuổi để gây dựng sự nghiệp lớn. |
Ở độ tuổi ngoại tứ tuần, ông Công cho rằng có lẽ không thể gọi là khởi nghiệp. Ông phân tích khởi nghiệp là người ta làm từ đầu ở lĩnh vực mới tinh. Còn ông đã có nhiều năm đúc kết kinh nghiệm, mối quan hệ, sự hiểu biết thậm chí cả tài chính… nên việc bắt đầu gây dựng sự nghiệp riêng sẽ khác với các bạn trẻ khởi nghiệp.
Chưa muốn chia sẻ nhiều về dịch vụ của mình bởi “không muốn đối thủ biết trước”, ông Công cho hay hiện công ty đã được cấp phép để hoạt động, nhưng còn đang thử phần mềm sao cho thật chuẩn trước khi chính thức trình làng.
“Hiện tôi chỉ có thể chia sẻ tôi và các cộng sự của mình đã tạo ra một phần mềm tương tự Uber, Grab. Điểm khác biệt giữa tôi và hai đối thủ trên đó là nhân viên của tôi sẽ là các bạn sinh viên có nhu cầu làm thêm, những người thất nghiệp, những người lớn tuổi thậm chí những người nhàn rỗi muốn kiếm thêm thu nhập. Tôi muốn giúp cho họ có một công việc ổn định. Cùng với đó, tôi sẽ cung cấp dịch vụ ship đồ ăn tận nơi”, ông tiết lộ.
Doanh nhân này khẳng định sẽ đi vào những ngách đối thủ ngoại như Uber hay Grab không có lợi thế ở Việt Nam. Chẳng hạn, với lợi thế là thành viên, giám đốc hỗ trợ đào tạo của tổ chức kết nối thương mại quốc tế (IBNI), ông tự tin khi triển khai dịch vụ này hơn 2.000 đồng đội ở IBNI sẽ ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác với ông.
“Kết nối của họ rất lớn, chỉ cần phục vụ họ, nhân viên của tôi đã có việc làm. Tới đây, có thể tôi sẽ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài bởi tôi hiểu là đối thủ của mình mỗi năm bỏ hàng trăm triệu USD để quảng bá ở thị trường Đông Nam Á. So với họ, số tiền tôi bỏ ra khá khiêm tốn”, ông chia sẻ.
Không chỉ ôm tham vọng công ty mới thành lập của mình sẽ là công ty phát triển nhanh nhất, mạnh nhất với số lượng người phục vụ nhiều nhất tại Việt Nam, ông Công còn mong muốn trong vài năm tới, sau khi đã chinh phục được thị trường TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ…sẽ mang chuông đi đánh xứ người ở khối ASEAN.
Tuy vậy, ông thừa nhận để hiện thực hóa mong muốn trên không hề đơn giản. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tuyển dụng nhân sự vì công ty chưa có sự chuẩn bị cho việc này.
“Tôi được biết mỗi năm ở Sài Gòn có khoảng 300.000 tân sinh viên. Tôi sẽ tuyển chọn thật kỹ để tìm ra những người phục vụ có đạo đức, có trách nhiệm với công việc để đào tạo cho họ làm công việc này. Việc tuyển dụng sẽ diễn ra hàng ngày. Nhân viên của công ty sẽ được phát đồng phục, mũ bảo hiểm có logo của công ty để khách hàng dễ dàng nhận biết”, ông nói.
Tự tin khẳng định thu nhập của nhân viên trong công ty mình sẽ tốt hơn so với nhân viên của các hãng đối thủ, ông Công phân tích Uber, Grab đang lấy 15% tổng số tiền lái xe thu được còn ông sẽ lấy ít hơn số đó để khuyến khích mọi người làm việc.
“Như vậy nếu họ chăm chỉ, mỗi ngày họ có thể kiếm 500.000-800.000 đồng là bình thường. Phần mềm sẽ lưu lại mọi thông tin của người phục vụ cũng như người sử dụng dịch vụ nên không sợ lừa đảo gì hết”, ông nhấn mạnh.
Sau kỳ nghỉ Tết, ông Công sẽ trình làng dịch vụ này để giành lại miếng bánh thị phần lâu nay doanh nghiệp Việt còn bỏ ngỏ cho Uber, Grab… chia nhau.