Những bao cam, khoai lang và hành tây được trải trên ba mặt bàn tại một khu chợ ngoài trời ở Washington Heights, một khu phố ở phía bắc quận Manhattan. Sữa tiệt trùng và cá ngừ và cá hồi đóng hộp được đặt trên 3 chiếc bàn khác.
Hàng trăm người đã đến đây vào cuối tuần qua để nhận đồ cứu trợ, đây chỉ là một trong nhiều trung tâm cứu tế của City Harvest, một tổ chức từ thiện lớn có trụ sở tại New York.
Không còn cảnh những hàng dài người dân chen chúc xếp hàng để nhận súp như hồi Đại suy thoái 1930. Thay vào đó, người dân New York vẫn xếp hàng nhưng giữ khoảng cách xa nhau, những gương mặt đói ăn trong quá khứ giờ được che lấp bởi những chiếc khẩu trang.
Lina Alba - một bà mẹ đơn thân có 5 con, cho biết cô khách sạn nơi cô làm việc đã đóng cửa vào 2 tuần trước, hai đứa con lớn của cô cũng rơi vào cảnh thất nghiệp.
Thực phẩm cứu trợ gồm các loại hoa quả, rau củ được gói sẵn cho từng người. Ảnh: AFP |
"Đây là lần đầu tiên tôi phải đi xin đồ cứu tế", cô Alba nói. "Chúng tôi cần sự giúp đỡ ngay bây giờ. Điều này thật điên rồ. Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong một vài tuần nữa”.
Người phụ nữ 40 tuổi cũng đang cố giữ thái độ tích cực. "Lúc này ít nhất tôi cũng được dành thời gian chăm sóc cho các con, tôi vừa là mẹ vừa là cô giáo, tôi là tất cả với chúng. Chúng ta còn sống, chúng tôi vẫn khỏe mạnh, chúng tôi chỉ cần cầu nguyện”, Alba chia sẻ.
Alba nói cô mất một tuần chỉ để làm đơn đăng ký thất nghiệp, bởi bà mẹ đơn thân này chỉ là một trong hàng nghìn trường hợp khác tại New York rơi vào cảnh thất nghiệp trong mùa dịch.
Chính phủ sẽ cung cấp các khoản cứu trợ cho Alba trong vòng 3 tuần. Bà mẹ 5 con cũng hy vọng sẽ sớm nhận được ít nhất 1.200 USD từ chính phủ liên bang, nhờ gói viện trợ mới được Quốc hội thông qua vào tuần trước.
"Khoản tiền này dù không đủ, nhưng bạn sẽ phải trân trọng bất cứ điều gì vào lúc này”, Alba nói. “Có rất người đang gặp khó khăn, ý tôi là toàn bộ thành phố”.
Hàng triệu người cần giúp đỡ
Jose Neri, 51 tuổi, là một trong nhiều nhân viên phục vụ gốc Tây Ban Nha làm việc trong các nhà hàng ở New York hiện đang đóng cửa. Đây cũng là lần đầu ông phải xếp hàng để nhận thực phẩm.
“Gia đình tôi có 5 miệng ăn, chúng tôi đang phải dùng tới tiền tiết kiệm của mình để sống tiếp", Neri cẩn thận đeo khẩu trang và găng tay khi đi ra ngoài.
"Chúng tôi đã có những gì mình cần để duy trì cuộc sống". ông nói. Neri cũng đang trông cậy vào sự hỗ trợ của chính phủ liên bang cho những người lao động có thu nhập thấp.
Một phụ nữ bịt kín mặt khi đi lấy đồ cứu trợ. Ảnh: AFP |
Jhordana Ramirez, 39 tuổi, làm công việc hộ lý tại nhà cho người cao tuổi, những người phải "phụ thuộc 100%" vào cô.
Hiện Ramirez vẫn phải đi làm mặc cho nguy cơ nhiễm bệnh không hề nhỏ từ các khách hàng của mình. Trong khi đó, chồng và con gái lớn của cô cũng tạm thời phải nghỉ việc ở nhà.
“Đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến gia đình tôi”, cô nói. "Tôi cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đặc biệt là tiền thuê nhà, các hóa đơn như điện, truyền hình cáp, thực phẩm".
Geraldine Fermin - nhân viên của City Harvest, đã nghe những câu chuyện như trên rất nhiều vì hầu hết các doanh nghiệp ở thành phố New York đã đóng cửa từ hai tuần trước.
"Thật đau lòng khi điều này xảy ra với mọi người", cô nói. "Những người nghèo bây giờ nghèo hơn, và những người có công việc tốt cũng rơi vào cảnh nghèo đói”.
"Trước đây, có 1.2 triệu người ở New York đói ăn. Bây giờ, con số đó đã lên tới 3 triệu", Eric Ripert, phó chủ tịch hội đồng quản trị của City Harvest, cho biết.
Ông Ripert nói rằng City Harvest cũng đang cung cấp thực phẩm cho 400 nhà tạm trú cho người vô gia cư trong thành phố.
Hiện tổ chức từ thiện này đang cần tiền để bổ sung nguồn lương thực, và vì vậy họ đang hợp tác với các tổ chức khác để tạo ra một mặt trận thống nhất chống lại "viễn cảnh tồi tệ hơn".
"Chúng ta đã vượt qua ngày 11/9, cuộc suy thoái lớn trong giai đoạn 2008-2009, chúng ta đã trải qua rất nhiều điều, nhưng không có điều gì có thể so sánh với thảm họa mà chúng tôi đang trải qua hiện tại", ông Ripert nói.