Trong bối cảnh Taliban đang chuẩn bị lập ra một chính phủ mới sau 20 năm bị quân đội Mỹ lật đổ, hàng nghìn người Afghanistan đã tháo chạy tới sân bay ở thủ đô Kabul để được tị nạn ở nước ngoài.
Nhưng một số gia đình Afghanistan từng đi tị nạn tại Pakistan, giờ đây lại muốn hồi hương, vì cho rằng chính quyền Taliban mới sẽ giúp cho đất nước của họ có được sự ổn định sau thời gian dài bị tàn phá bởi chiến tranh.
“Chúng tôi đã phải di cư khỏi Afghanistan trong thời kỳ gian khổ, bom đạn loạn lạc, khi người Hồi giáo gặp khó khăn, nhưng giờ đây, cảm tạ Thánh Allah, tình hình đã trở lại trạng thái bình thường, nên chúng tôi đang quay trở về”, Molavi Shaib chia sẻ tại khu vực biên giới Pakistan-Afghanistan.
Dù ranh giới giữa khu vực Spin Boldak (Afghanistan) và thành phố Chaman (phía tây nam Pakistan) bị chia cắt bởi một rãnh sâu khoảng 3m có rào thép gai bao quanh, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người băng qua tuyến đường này.
Trước làn sóng di cư gia tăng ồ ạt, các nhà chức trách Pakistan đã phải thắt chặt an ninh ở khu biên giới biên giới, quá trình xuất nhập cảnh cũng được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.
"Nhiều người muốn quay trở về, nhưng không được cho phép, chúng tôi đề nghị chính phủ Pakistan cho phép chúng tôi di chuyển qua biên giới khi hòa bình đã được thiết lập. Chúng tôi có gia đình, vợ con đang ngóng chờ", Muhammad Nabi - một người Afghanistan mong muốn được sớm trở về nước, cho biết.
Pakistan đã là nơi cư trú của hơn 2 triệu người tị nạn Afghanistan kể từ khi cuộc chiến tranh đầu tiên nổ ra ở Afghanistan hơn 40 năm trước, con số này liên tục biến động tuỳ thuộc vào mức độ của cuộc xung đột. Nhưng nước này cho biết họ không còn có đủ khả năng để tiếp nhận thêm người tị nạn nữa.
Người tị nạn băng qua biên giới Pakistan-Afghanistan. Ảnh: AFP |
Những người tị nạn Afghanistan từ lâu đã than vãn về việc cảm thấy không được chào đón, không có cơ hội việc làm và không được cấp quyền công dân khi lưu trú ở Pakistan. Nhóm tị nạn này trở thành con tốt trên bàn cờ ngoại giao giữa hai chính phủ Pakistan và Afghanistan.
Chính phủ Pakistan từ lâu đã được cho là đứng sau hậu thuẫn, bảo vệ cho phong trào Taliban, và cũng được xem là một trong số ít chính phủ có quan hệ mật thiết với chế độ mới tiếp quản tại Kabul.
Tương lai tươi sáng
Trên những cánh đồng cằn cỗi ở Chaman, hàng chục chiếc xe tải chở đoàn người tị nạn Afghanistan.
Những người này cho rằng chờ đón họ ở quê nhà là một cuộc sống bình yên, không còn cảnh bị phân biệt, xua đuổi.
"Tôi đang trở về Ghazni, bây giờ hòa bình đã được thiết lập lại, chúng tôi rất vui mừng khi được trở về nhà”, Wali Ur Rahman - một người Afghanistan, bày tỏ niềm vui khi được hồi hương.
Niềm vui của Rahman hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh được ghi lại tại sân bay Kabul – nơi nhiều người Afghanistan đã liều mạng chen chúc, đu bám lên những chiếc máy bay để thoát khỏi chế độ Taliban.
Phần lớn những người cố gắng thoát khỏi Kabul đều làm việc hoặc liên quan tới các cơ quan nước ngoài hoạt động tại Afghanistan. Họ lo sợ sẽ bị các tay súng Taliban trả thù và phải sống trong một đất nước đầy rẫy các luật lệ Hồi giáo hà khắc.
Trong khi đó, nhiều người đã từng tị nạn tại Pakistan trong khoảng thời gian Afghanistan chìm trong xung đột lại tin rằng, Taliban trở lại đồng nghĩa với một tương lai tươi sáng hơn.