Đánh mất niềm tin của công chúng
Ông Biden đang trải nghiệm một điều tương tự các tổng thống Mỹ trước đây trong nhiệm kỳ này: có mức tín nhiệm cao trong thời gian đầu, rồi dần dần sụt giảm sau này. Tuy nhiên, mức giảm độ tín nhiệm từ 57% xuống chỉ còn 42% sau hơn 10 tháng cầm quyền (theo thống kê của Gallup) là sự sa sút nghiêm trọng của Joe Biden. Hiện ông đang là một trong số những tổng thống Mỹ có độ tín nhiệm thấp nhất, và chỉ còn nhỉnh hơn một chút so với người tiền nhiệm Donald Trump (41,1%).
Các tổng thống thường đạt mức tín nhiệm cao khi mới thắng cử, là bởi họ thường đưa ra những lời kêu gọi và hứa hẹn với nhiều nhóm lợi ích, theo John E. Mueller - học giả hàng đầu về chủ đề này. Điều đó khiến nhiều cử tri có niềm tin mù quáng vào những gì vị tân tổng thống có thể làm được. Nhưng nếu vị này không đạt được kỳ vọng của họ, mức tín nhiệm của ông ta sẽ bắt đầu lao dốc.
Trong trường hợp của ông Biden, phần lớn sự thất vọng của công chúng đến từ những lời hứa mở rộng các chương trình xã hội của ông. Mở đại học cộng đồng miễn phí, dịch vụ chăm sóc răng miệng tốt hơn cho người cao tuổi, đưa người nhập cư trở thành công dân Mỹ - ông Biden đang thất bại trong việc thực hiện những mục tiêu này. Ông cũng đang loay hoay với lời thề sẽ đánh bại dịch COVID-19 của mình. Những điểm trừ này đang khiến chương trình nghị sự "Build Back Better" của Joe Biden trở thành một chiếc "bịch bông" cho giới báo chí Mỹ tấn công. Những bài báo chỉ trích vị Tổng thống Mỹ là nguyên nhân chính khiến độ tín nhiệm của ông sụt giảm nghiêm trọng.
Khi ông Biden mới nhậm chức vào tháng 1/2021, chiến lược gia đảng Cộng hòa John Feehery đã cảnh báo rằng, "Biden sẽ gây thất vọng cho vô số người nếu không thể giữ lời hứa".
Chương trình nghị sự của ông Biden bao gồm kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, cùng dự luật mở rộng mạng lưới an sinh xã hội trị giá hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Mỹ chưa thể hiện thực hoá những dự định này, và khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa cùng nguy cơ vỡ nợ quốc gia vào đầu tháng 12 tới đang hiển hiện trước mắt.
Nhiều người ban đầu ủng hộ ông Biden có lẽ đã "vỡ mộng". Cần lưu ý rằng, độ tín nhiệm của Donald Trump không biến động quá nhiều trong nhiệm kỳ của mình, bởi Trump "xứng đáng" với những kỳ vọng ban đầu mà công chúng đặt ra.
|
Theo ông Mueller, nếu một tổng thống giúp Mỹ giành chiến thắng, hoặc kết thúc một cuộc chiến tranh, thì mức tín nhiệm của ông ta sẽ tăng mạnh. Tuy vậy, điều này không đúng với Joe Biden. Độ tín nhiệm của ông không hề thay đổi sau khi Mỹ kết thúc cuộc chiến dài nhất lịch sử tại Afghanistan.
Cẩn thận với những lời hứa của mình
Chuyên gia bình luận về truyền thông Jack Schafer viết trên tờ Politico rằng, để cải thiện độ tín nhiệm của mình, ông Biden cần nhất quán giữa lời nói và hành động. Thông thường, ông sẽ nhận được rất nhiều lời tán dương vì đã chi tới 2 nghìn tỷ USD cho chương trình nghị sự của mình. Nhưng vì đã cam kết sẽ chi 3,5 nghìn tỷ USD trước đó, nên Biden lại bị coi là người không biết giữ lời.
Biden cũng nên nghiên cứu về nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton. Ông Clinton có mức tín nhiệm thấp hơn cả ông Biden hiện tại trong những năm đầu tiên tại Nhà Trắng (36% vào giữa năm 1993), vì không thực hiện được các cam kết và thuế và chăm sóc sức khoẻ. Nhưng sau khi đặt ra và hoàn thành những mục tiêu khả dĩ hơn, độ tín nhiệm của ông đã tăng vọt, lên 64% vào đầu năm 1994 và 73% vào giai đoạn 1998-1999.
Lợi thế lớn nhất mà mức tín nhiệm cao đem lại cho một vị tổng thống, đó là bảo vệ họ khỏi những chỉ trích từ cánh báo chí. Tổng thống Biden sẽ làm được điều này, nếu ông cẩn thận hơn với những lời hứa hẹn của mình.