Cụ thể, Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố ngắn rằng "phần lớn" quân đội Mỹ và tài sản ở Somalia sẽ được rút vào đầu năm 2021. Hiện có khoảng 700 binh sĩ ở quốc gia thuộc khu vực Sừng châu Phi này, đang làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng địa phương trong một cuộc chiến kéo dài chống lại nhóm phiến quân al-Shabab, một chi nhánh của al-Qaeda.
Tổng thống Trump gần đây đã ra lệnh rút quân khỏi Afghanistan và Iraq và dự kiến sẽ rút một số hoặc toàn bộ quân khỏi Somalia. Hôm thứ Tư, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết cấu trúc tương lai của sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Somalia vẫn còn đang tranh luận.
Tướng Milley cho biết việc Mỹ điều chỉnh quân số ở Somalia sẽ chiếm "một dấu ấn tương đối nhỏ, chi phí tương đối thấp về số lượng nhân sự và về tiền bạc", cũng như nhấn mạnh rằng Mỹ vẫn lo ngại về mối đe dọa do nhóm al-Shabab gây ra.
“Nhóm al-Shabab có một số phạm vi tiếp cận và nếu không được giám sát, chúng có thể tiến hành các hoạt động chống lại không chỉ lợi ích của Mỹ trong khu vực mà ngay chính tại lãnh thổ quê nhà chúng ta", ông Milley nói.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller đã có chuyến thăm ngắn đến Somalia vào tuần trước và gặp gỡ quân đội Mỹ.
Kể từ sau ngày 20/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể đảo ngược quyết định rút quân của ông Trump hoặc thực hiện các điều chỉnh nhằm đáp ứng với các ưu tiên chống khủng bố của mình.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Jim Langevin chỉ trích việc ông Trump rút quân ở Somalia là "sự đầu hàng trước al-Qaeda và một món quà của Trung Quốc."
“Khi các lực lượng Mỹ rời Somalia, các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc giúp mọi người giải quyết xung đột mà không có bạo lực và thiệt hại về nhân mạng. Với các cuộc bầu cử sắp tới ở Somalia và xung đột bùng phát ở nước láng giềng Ethiopia, việc từ bỏ các đối tác của chúng ta không thể đến vào thời điểm tồi tệ hơn”', ông Langevin chỉ ra.
Hạ nghị sĩ này cũng cho biết Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội để xây dựng ảnh hưởng của mình ở vùng Sừng châu Phi.
Lầu Năm Góc cho biết việc rút quân khỏi Somalia không đánh dấu sự kết thúc của các nỗ lực chống khủng bố của Mỹ ở đó.
"Do quyết định này, một số lực lượng có thể được điều động lại bên ngoài Đông Phi," theo Lầu Năm Gốc. “Tuy nhiên, các lực lượng còn lại sẽ được bố trí lại từ Somalia sang các nước láng giềng để cho phép các lực lượng của Mỹ và đối tác tiến hành các hoạt động xuyên biên giới nhằm duy trì sức ép chống lại các tổ chức cực đoan hoạt động ở Somalia.”