Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách sinh đẻ, cho phép các gia đình có con thứ hai, nhiều lao động nữ tại nước này không muốn có thêm con, thậm chí không muốn sinh con, theo SCMP.
Khảo sát do trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Zhaopin.com thực hiện năm ngoái cho thấy 40% số lao động nữ tại quốc gia đông dân nhất thế giới không muốn sinh con, 2/3 số người đã có con không muốn sinh thêm bé thứ hai.
Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, sinh hoạt phí đắt đỏ, giờ làm việc kéo dài và những chi phí liên quan tới việc nuôi dưỡng trẻ tăng cao khiến ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con.
Việc nuôi con cũng ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế, thậm chí có nguy cơ khiến người lao động mất việc. Khảo sát của Zhaopin cho thấy 33% số phụ nữ bị giảm lương sau sinh, còn 36% bị giáng chức. Hai lý do hàng đầu cho việc không sinh con là "không đủ thời gian và sức lực", "nuôi trẻ quá tốn kém".
Tình trạng lao động nữ không chịu sinh con đang trở thành vấn đề cấp bách hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bởi lẽ dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Sau hơn 30 năm duy trì chính sách một con, dân số trẻ ở Trung Quốc có xu hướng ít hơn so với dân số già đang tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh và tăng gánh nặng lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Sau khi xóa bỏ chính sách một con vào tháng 10/2015, giới chức Trung Quốc ước tính sẽ có thêm 4 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm cho tới năm 2020, nhưng thực tế, số trẻ sơ sinh năm ngoái chỉ tăng thêm 1,31 triệu. Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp trợ cấp sinh đẻ và xã hội để khuyến khích người dân sinh con.
Tuy nhiên, so với những quốc gia có nhiều chế độ khuyến khích sinh như Singapore hay Đức, Trung Quốc vẫn còn hạn chế trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình không có khả năng chi trả cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em.