"Qatar đã quyết định rút khỏi OPEC, thời điểm được ấn định diễn ra từ ngày 1/1 năm 2019 và sẽ thông báo quyết định này tới tổ chức vào hôm thứ Hai (3/12)", Bộ trưởng Kaabi cho biết tại một cuộc họp báo.
Chính phủ Qatar trước đó đã công bố việc triển khai 4 dây chuyền sản xuất LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) mới vào năm 2024, điều này cho phép họ tăng sản lượng từ 77 lên 110 triệu tấn mỗi năm.
"Chúng tôi không có tiềm năng lớn (về dầu mỏ), chúng tôi rất thực tế. Tiềm năng của chúng tôi là khí đốt", vị quan chức chỉ ra.
Qatar sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế sau khi rút khỏi OPEC, Bộ trưởng Kaabi nói thêm.
"Khi rời khỏi OPEC, Qatar sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế của mình như bất kỳ quốc gia nào khác không phải là thành viên của tổ chức này", ông Kaabi phát biểu trong một cuộc họp báo.
OPEC dự kiến sẽ thực hiện cắt giảm nguồn cung mới sau cuộc họp sắp tới vào tháng 12. Giá dầu quốc tế đã giảm 20% trong tháng này, điều này đồng nghĩa với việc phải ban hành các chính sách bổ sung cần thiết để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng dầu mỏ lớn khác.
Tổ chức OPEC và một số nước không phải thành viên đã đạt được thỏa thuận tại thủ đô Vienna của Áo vào năm 2016, đồng ý cắt giảm sản lượng dầu xuống khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực nhằm bình ổn giá dầu toàn cầu.
Các nước không thuộc OPEC cam kết sẽ giảm sản lượng dầu xuống 558.000 thùng/ngày.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là một tổ chức liên chính phủ, được thành lập tại Hội nghị Baghdad diễn ra từ 10-14 /9/1960, bởi các nước Iran, Iraq, Kuwait, Arab Saudi và Venezuela.