Kịch bản chính quyền thắng kiện
Nếu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và liên minh các bang thắng kiện, thẩm phán có thể phán quyết Facebook phải thoái vốn khỏi nền tảng chia sẻ ảnh Instagram và ứng dụng nhắn tin WhatsApp.
“Đây sẽ là một viễn cảnh khó khăn cho Facebook. Việc tách nhỏ công ty là một phương án khó khăn”, ông Sam Weinstein - giảng viên tại trường Luật Cardozo, cho biết. "Mặc dù biện pháp tách nhỏ là rất hiếm, nhưng đây là điều có thể xảy ra".
Việc buộc chia nhỏ một doanh nghiệp, ngay cả ở quy mô nhỏ, là điều hiếm có, nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Vào năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện trang đánh giá bán lẻ BazaarVoice sau khi công ty này mua lại trang web tiếp thị PowerReviews và buộc hai bên xóa bỏ thỏa thuận. Nổi tiếng nhất là vụ chính phủ Mỹ đã buộc hãng viễn thông ATT phải tan rã vào năm 1982.
Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, dù chưa đưa ra bình luận chính thức, nhưng cũng có thể sẽ ủng hộ vụ kiện.
Chiến thắng của Facebook
Một khó khăn mà FTC sẽ phải đối mặt đó là họ đã bỏ qua các thương vụ mua Instagram của Facebook vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014, động thái mà mới đây đại diện của Facebook đã nhắc lại trong tuyên bố chính thức.
"Sự thật quan trọng nhất trong vụ việc này, mà FTC không đề cập đến trong đơn khiếu nại dài 53 trang của mình, đó là họ đã ngó lơ các thương vụ mua lại này từ nhiều năm trước. Chính phủ hiện muốn lật ngược lại mọi thứ bằng cách gửi một cảnh báo lạnh lùng đến các doanh nghiệp Mỹ rằng không có thương vụ nào được chốt sổ", bà bà Jennifer Newstead, Phó Chủ tịch kiêm Cố vấn Tổng hợp của Facebook, cho biết.
Luật sư Seth Bloom từ hãng luật Bloom Strategic Counsel cho biết: “Rất khó để rút lại một thương vụ sáp nhập đã hoàn thành trong nhiều năm. Phía tòa án sẽ rất miễn cưỡng khi hủy bỏ việc sáp nhập".
Hơn nữa, Bloom cho biết lập luận trong đơn khiếu nại rằng Facebook yêu cầu các nhà phát triển phần mềm trên nền tảng của mình kiềm chế cạnh tranh với Facebook có khả năng đã lỗi thời và chắc chắn dễ giải quyết.
Theo đơn khiếu nại, từ năm 2011 đến 2018, Facebook đã tạo ra nền tảng Facebook Platform, bao gồm một số API (giao diện lập trình ứng dụng) có ý nghĩa thương mại nhất định, chỉ dành cho các nhà phát triển với điều kiện ứng dụng của họ không cạnh tranh với Facebook… cũng như không quảng bá các đối thủ cạnh tranh.
Để phản bác lại, Facebook lập luận rằng các hạn chế là tiêu chuẩn trong ngành.
“Các công ty được phép chọn đối tác kinh doanh của họ và điều đó mang lại cho các nền tảng sự thoải mái rằng họ có thể mở quyền truy cập cho các nhà phát triển khác mà quyền truy cập đó không bị khai thác không công bằng", bà Jennifer Newstead cho biết.
Facebook cũng tin rằng họ có thể thắng kiện trước tòa án. Bà Newstead cho biết công ty tiếp tục “hoạt động trong một không gian cạnh tranh cao".
“Chúng tôi mong đợi ngày ra tòa, khi chúng tôi tự tin bằng chứng sẽ cho thấy Facebook, Instagram và WhatsApp thuộc về nhau, cạnh tranh về giá trị bằng những sản phẩm tuyệt vời", chuyên gia tư vấn nói.
Hai bên tự dàn xếp
George Hay, giảng viên chống độc quyền tại trường luật Đại học Cornell, lập luận rằng không có cáo buộc hình sự nào trong vụ kiện, không có động cơ nào để Facebook xóa bỏ các thỏa thuận sáp nhập. Ông Hay cũng dự đoán vụ việc sẽ mất nhiều năm kiện tụng.
“Chính phủ sẽ khó có được một chiến thắng hiển nhiên. Mọi thứ mà Facebook làm đều diễn ra công khai và nó đã diễn ra như vậy trong 15 năm qua. Họ chưa bao giờ làm bất cứ điều gì mà không tham khảo ý kiến của các nhóm luật sư chống độc quyền", ông Hay chỉ ra.
Tuy nhiên, năm ngoái, Facebook đã đồng ý trả 5 tỷ USD để giải quyết một cuộc điều tra của FTC về các hoạt động bảo mật của họ.