Bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO chia sẻ: "Một lần nữa, trong năm 2021, chúng ta chứng kiến quá nhiều nhà báo đã phải trả cái giá cuối cùng để đưa sự thật ra ánh sáng. Ngay bây giờ, thế giới cần những nguồn thông tin thực tế và độc lập hơn bao giờ hết. Chúng ta phải hành động nhiều hơn nhằm đảm bảo rằng những người làm việc không mệt mỏi để cung cấp điều này không còn phải sợ hãi."
Hai phần ba trong số vụ sát hại nhà báo năm 2021 diễn ra ở các quốc gia không xảy ra xung đột vũ trang, cho thấy những rủi ro liên tục mà các nhà báo phải đối mặt trong việc điều tra, phản ánh và phơi bày hành vi sai trái. Điều này đánh dấu sự đảo ngược hoàn toàn tình hình so với năm 2013, khi 2/3 số vụ giết người diễn ra ở các quốc gia có xung đột chính trị, vũ trang.
Phần lớn các trường hợp tử vong trong năm 2021 diễn ra ở hai khu vực là Châu Á - Thái Bình Dương, với 23 vụ giết người, và Mỹ Latinh - Caribe, với 14 vụ.
Mặc dù số lượng vụ việc sát hại nhà báo rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, thì việc miễn trừ trách nhiệm đối với các tội ác chống lại nhà báo vẫn phổ biến ở mức đáng báo động. Dữ liệu của UNESCO cho thấy 87% các vụ giết nhà báo kể từ năm 2006 vẫn chưa được giải quyết, và những kẻ thủ ác vẫn còn đang ở ngoài vòng pháp luật.
Mặt khác, các nhà báo trên toàn thế giới vẫn tiếp tục phải chịu mức án phạt tù cao, tấn công thể xác, đe dọa và quấy rối cả trên không gian mạng, ngay cả khi đưa tin về các cuộc biểu tình. Các nhà báo nữ đặc biệt phải đối mặt với tình trạng quấy rối trực tuyến diễn ra ồ ạt - một báo cáo do UNESCO công bố vào tháng 4/2021 cho thấy gần 3/4 số nhà báo nữ được khảo sát đã từng bị bạo lực trực tuyến trong khi thực thi nhiệm vụ.
UNESCO là cơ quan của Liên hợp quốc có nhiệm vụ đảm bảo quyền tự do ngôn luận toàn cầu cũng như sự an toàn của các nhà báo trên toàn thế giới, đồng thời điều phối Kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về Sự an toàn nhà báo và Chấm dứt miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi chống nhà báo. Tổ chức có những hành động và phát ngôn lên án một cách có hệ thống tất cả mọi hành vi giết hại nhà báo, kêu gọi các nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, cung cấp đào tạo cho các nhà báo và các cơ quan tư pháp, làm việc với các chính phủ để phát triển các chính sách và luật hỗ trợ, đồng thời nâng cao nhận thức toàn cầu thông qua các sự kiện như Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5.