Ông James Mattis lên đường đến thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào ngày 1/2, sau đó sang Tokyo, Nhật Bản vào ngày 3/2. Ông là thành viên nội các đầu tiên của chính phủ Tổng thống Donald Trump công du nước ngoài.
Theo Reuters, chuyến thăm của ông Mattis diễn ra trong thời điểm quan ngại về khả năng thử nghiệm tên lửa đạn đạo mới của Bắc Triều Tiên tăng cao. Đây là một trong những thách thức ngoại giao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump.
Phát biểu với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo trước chuyến công du, ông Mattis tái khẳng định Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc và “có thêm những răn đe cần thiết (với những kẻ thù chống lại Hàn Quốc) bằng tất cả khả năng của Mỹ”.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng Mỹ sẽ đẩy nhanh triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THADD tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhiều khả năng chỉ nhằm mục đích “phá băng” nghi ngờ giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lắng nghe phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (phải) sau lễ nhậm chức của ông này tại Lầu Năm Góc, Washington ngày 27/1. Ảnh: Reuters. |
Tại Tokyo, ông Mattis sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada, người đã nhiều lần cho biết Nhật sẽ chia sẻ công bằng các chi phí quân sự với Mỹ và nhấn mạnh quan hệ liên minh mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Hiện chi phí dành cho quốc phòng của Nhật Bản chiếm khoảng 1% GDP, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.
Trước chuyến công du của ông Mattis, khu vực cũng đang có nhiều lo ngại về những động thái quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Tuần trước, chính quyền của ông Trump đã tuyên bố sẽ bảo vệ “các vùng lãnh thổ quốc tế” ở khu vực này.
Các quan chức Mỹ cho hay việc tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ chọn châu Á làm điểm đến đầu tiên, thay vì đến Iraq hay Afghanistan, mang ý nghĩa tái khẳng định mối quan hệ với Nhật và Hàn Quốc và nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á nói chung.
Điều này đặc biệt quan trọng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng khiến Hàn Quốc và Nhật Bản bối rối khi đề nghị hai nước này chia sẻ thêm chi phí duy trì liên minh với Mỹ.
Cách đây không lâu ông cũng đặt bút ký vào sắc lệnh chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây cú sốc lớn đối với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, trong đó có Nhật Bản.
“Đó là một thông điệp mang tính trấn an”, một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết.
Tân tổng thống Mỹ đã đối thoại với các lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản trong thời gian gần đây. Theo dự kiến, ông sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10/2 tới.