Tàu bọc thép của ông Kim và hành trình 4.500 km an ninh tối đa

Đoàn tàu hỏa các đời lãnh đạo Triều Tiên sử dụng được mô tả có giáp chống đạn, lực lượng hậu cần và cận vệ hộ tống sát sao. Thông tin về lộ trình luôn được giữ tuyệt mật.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã lựa chọn phương án di chuyển bằng đoàn tàu bọc thép để đi xuyên lãnh thổ Trung Quốc trước khi tới VN để dự hội nghị thượng đỉnh với ông Donald Trump vào ngày 27-28/2 này. Quãng đường gần 4.500 km này sẽ mất khoảng 60 tiếng để hoàn thành.

Tàu bọc thép của ông Kim và hành trình 4.500 km an ninh tối đa ảnh 1

Ông Kim Jong Un rời nhà ga Bình Nhưỡng ngày 23/2. Ảnh: Rodong Sinmun.

Ba đoàn tàu phục vụ nhà lãnh đạo

Đoàn tàu bọc thép màu xanh olive này không còn xa lạ với người dân Triều Tiên. Đây là phương tiện di chuyển quen thuộc của các đời lãnh đạo Triều Tiên trong những chuyến công du nước láng giềng.

Năm ngoái, ông Kim Jong Un cũng sử dụng đoàn tàu bọc thép để di chuyển tới Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đoàn tàu gồm các bộ phận như thiết bị ''tàng hình'' tránh được radar hoặc các thiết bị do thám, máy quét nhiệt và máy dò bom chống các cuộc khủng bố. Bên trong tàu còn có xe bọc thép ''ngầm'' và máy bay trực thăng để di tản lãnh đạo trong trường hợp khẩn cấp.

Các toa tàu được gia cố bằng thép chống đạn có thể chịu được các cuộc tấn công bằng hỏa lực thông thường từ bên ngoài. Sàn của đoàn tàu có thể chịu được mìn chống tăng.

Khối lượng của đoàn tàu tăng đáng kể bởi những tấm thép chống đạn, do đó, tàu chỉ có thể đạt vận tốc tối đa 60 km/h dù có đến hai đầu kéo.

Tàu bọc thép của ông Kim và hành trình 4.500 km an ninh tối đa ảnh 2

Lộ trình di chuyển của đoàn tàu bọc thép chở lãnh đạo Triều Tiên. Đồ họa: Arirang.

Theo truyền thông Hàn Quốc, chính phủ Triều Tiên có đến 6 đoàn tàu tương tự để phục vụ nhà lãnh đạo. Trong đó, mỗi đoàn tàu có từ 17-21 toa tàu.

Tờ Chosun năm 2009 từng cho biết Triều Tiên có đến 90 toa tàu dành riêng cho việc di chuyển của cố lãnh đạo Kim Jong Il. Trên lãnh thổ Triều Tiên còn có 20 nhà ga phục vụ riêng cho lãnh đạo.

Mỗi lần di chuyển, sẽ có 3 đoàn tàu phục vụ. Tàu an ninh tiền tiêu sẽ di chuyển phía trước, sau đó đến đoàn tàu của nhà lãnh đạo. Bọc hậu phái đoàn sẽ là đoàn tàu chở cận vệ tiếp viện khi cần cùng trang thiết bị hậu cần, theo New York Times.

Vào thời của ông Kim Jong Il, đoàn tàu an ninh tiền tiêu từng chở theo ít nhất 100 cận vệ. Đoàn tàu này sẽ đến các nhà ga trước tàu bọc thép của nhà lãnh đạo. Nhân viên an ninh sẽ tiến hành rà soát bom mìn, đánh giá lần cuối các rủi ro an ninh và kiểm tra độ an toàn của đường ray.

Điều động máy bay, phong tỏa nhà ga

Trực thăng và máy bay thường được điều động hỗ trợ giám sát từ trên không, hỗ trợ đảm bảo an ninh cho đoàn tàu của lãnh đạo Triều Tiên.

Máy bay quân sự TU-154 của Trung Quốc ngày 19/2 đã xuất hiện ở Nam Ninh, một trong những nhà ga mà đoàn tàu Triều Tiên có thể đi qua. Sự xuất hiện của TU-154 được cho là nhằm chuẩn bị cho việc hộ tống chuyến tàu của ông Kim, theo NK News.

An ninh tại các nhà ga Trung Quốc mà đoàn tàu bọc thép đi qua được thắt chặt tối đa. Theo Yonhap, cảnh sát được tăng cường được tăng cường để phong tỏa khuôn viên quanh nhà ga thành phố cảng Thiên Tân, nơi đoàn tàu ghé ngang vào 13h ngày 24/2.

Tàu bọc thép của ông Kim và hành trình 4.500 km an ninh tối đa ảnh 3

Cảnh sát thành phố Đan Đông tuần tra trên cầu đường sắt tại biên giới với Triều Tiên. Ảnh: AFP.

Các biện pháp tương tự cũng được tiến hành ở Vũ Hán vào sáng hôm sau. Giao thông tại cầu Vũ Hán Trường Giang bị chặn từ sớm.

Trước đó, khi đoàn tàu đến nhà ga thành phố Đan Đông khoảng 21h ngày 23/2, lượng lượng an ninh Trung Quốc cũng cấm người dân ghi hình  trong khu vực, theo hãng tin DW của Đức.

Chính quyền thành phố Đan Đông đã thắt chặt an ninh toàn địa phương trước khi đoàn tàu chở ông Kim Jong Un đi vào tỉnh Liêu Ninh, theo Asahi. Các khách sạn xung quanh cầu bắt ngang sông Áp Lục và quanh nhà ga Đan Đông được lệnh hủy toàn bộ phòng khách đặt trong ngày 23/2. 

Người dùng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc những ngày qua liên tục bàn tán về những vụ chặn đường, kẹt xe, trễ tàu không nêu rõ lý do ở hàng loạt thành phố mà đoàn tàu của ông Kim có thể đi qua, theo AFP. 

Các cơ quan an ninh Trung Quốc cũng tăng cường kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội liên quan đến việc đi lại của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Nhiều từ khóa như "đường phố tại Trường Sa bị chặn" hay "chặn đường ở Trịnh Châu" bị hạn chế hiển thị trên mạng xã hội Weibo.

Đến nay lộ trình chính thức của đoàn tàu bọc thép Triều Tiên đi qua lãnh thổ Trung Quốc vẫn là bí mật.

Mục tiêu an ninh lẫn chính trị

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên rời nhà ga tại thủ đô Bình Nhưỡng chiều ngày 23/2. Chuyến tàu bọc thép màu xanh nổi tiếng của các đời lãnh đạo Triều Tiên sẽ đi qua nhiều thành phố sầm uất và những vùng nông thôn được hiện đại hóa sau gần 40 năm Trung Quốc tiến hành chính sách mở cửa.

Tháng 6/2018, khi đến Singapore dự cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Trump, ông Kim đã mượn một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không quốc gia Trung Quốc Air China.

Lựa chọn phương án di chuyển bằng tàu hỏa lần này phần nào cho thấy ông Kim không muốn hình ảnh của mình gắn liền với sự giúp đỡ từ Trung Quốc, theo New York Times.

Tàu bọc thép của ông Kim và hành trình 4.500 km an ninh tối đa ảnh 4

Hình ảnh được cho là đoàn tàu của ông Kim Jong Un đi qua nhà ga Đan Đông đêm 23/2. Ảnh: AP.

"Ông ấy không muốn cả thế giới chứng kiến sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc  như những gì ông ấy đã làm tại sân bay Singapore", Cheng Xiaohe, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng được hưởng lợi phần nào từ quyết định này. "Phía Trung Quốc nhìn nhận chuyến đi là tín hiệu cho thấy Triều Tiên hoàn toàn tin tưởng vào Trung Quốc, rằng nước láng giềng có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà lãnh đạo Triều Tiên", Yun Sun, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận định.

"Bên cạnh đó, mỗi lần nhà lãnh đạo Triều Tiên có chuyến đi qua lãnh thổ Trung Quốc, đó sẽ là cơ hội để chứng minh cho ông ấy thấy cải cách kinh tế mang lại những thành quả gì", ông nói.

Đây cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Triều Tiên gợi nhớ lại hình bóng của ông nội mình. Cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trên hành trình sang thăm Việt Nam vào năm 1958 từng ghé thăm Bắc Kinh, Vũ Hán và Quảng Châu. Ông Kim sau đó lên máy bay đặc dung đến Hà Nội.

Theo Yonhap, ông Kim Jong Un trong ngày 24/2 đã ghé ngang nhà ga thành phố cảng Thiên Tân. Đoàn tàu cũng được nhìn thấy đi qua Vũ Hán vào lúc 7h ngày 25/2, tiếp tục chạy về hướng nam.

Lộ trình của nhà lãnh đạo Triều Tiên còn đi qua hai con sông lớn của Trung Quốc là Hoàng Hà và Dương Tử. Ông còn đi qua một số thành phố phát triển bật nhất khu vực miền Trung của Trung Quốc.

Theo Zing
TIN LIÊN QUAN
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
Quan hệ Trung - Mỹ: Nhìn hoa đoán ý
(Ngày Nay) - Những dấu hiệu trong cuộc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho thấy chính quyền Bắc Kinh chưa sẵn sàng "làm ấm" quan hệ song phương.
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
Giải mã xã hội siêu cạnh tranh của Hàn Quốc
(Ngày Nay) - Một cuộc đua cạnh tranh kéo dài từ lúc mới sinh cho đến lúc đi học, đi làm khiến nhiều người Hàn Quốc cảm thấy kiệt quệ và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của họ.
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
(Ngày Nay) - Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Mỹ tìm cách tăng cường viện trợ cho Gaza
(Ngày Nay) - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Jordan để thảo luận về các cách thức thúc đẩy vận chuyển hàng viện trợ đến Dải Gaza và thảo luận về tình hình căng thẳng trong khu vực thời gian qua.