"Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan tiến vào Biển Đông hôm 14/8, thực hiện các hoạt động diễn tập phòng không trên biển để hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", hải quân Mỹ hôm nay ra thông cáo cho biết, nhưng không nói cụ thể địa điểm cuộc diễn tập diễn ra.
Nhóm tác chiến gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan và Không đoàn trên hạm số 5, tàu tuần dương USS Antietam, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin và USS Rafael Peralta đã thực hiện các hoạt động bay với tiêm kích, máy bay cảnh báo sớm và trực thăng cũng như khoa mục diễn tập giữ ổn định hàng hải với các khí tài hiện đại trong biên chế.
Hải quân Mỹ cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan gần đây cũng hoàn thành đợt huấn luyện chung với tàu tuần dương USS Antietam, phi đoàn tấn công điện tử hải quân (VAQ) 131 và không đoàn tiêm kích 35 của không quân Mỹ ngoài khơi bờ biển phía bắc Nhật Bản.
Nhóm tàu còn tham gia diễn tập với một oanh tạc cơ B-1B Lancer xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hiệp đồng.
"Phối hợp với các đối tác là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm khả năng phản ứng và năng lực tác chiến hiệp đồng", trung tá Joshua Fagan, sĩ quan phụ trách hoạt động bay trên tàu USS Ronald Reagan, cho hay.
Tiêm kích F/A-18E cất cánh từ USS Ronald Reagan trên Biển Đông hôm 14/8. - Ảnh: US Navy. |
Các hoạt động diễn tập được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn ở mức cao, khi hai bên gần đây liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự trong khu vực, dẫn tới nguy cơ đụng độ từ những sự cố ngoài ý muốn.
Một bức ảnh được đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 13/8 cho thấy oanh tạc cơ H-6J xuất hiện trái phép tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trước đó, trang blog Chinese Military Aviation cho biết oanh tạc cơ H-6J không vũ trang đã hạ cánh xuống đảo Phú Lâm vào đầu tháng 8.
Ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) chụp đảo Phú Lâm ngày 15/7 cho thấy Bắc Kinh triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích tại đây. Trung Quốc sau đó được cho là đã điều máy bay chiến đấu và tàu chiến đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tiến hành diễn tập trái phép.
Tuy nhiên, nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 11/8 cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu không quân và hải quân kiềm chế tối đa khi chạm mặt tàu chiến, máy bay Mỹ trên Biển Đông. Quân đội Trung Quốc dường như đang lo ngại nguy cơ bùng phát đụng độ ngoài ý muốn, dù vẫn mô tả những nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông là "hổ giấy".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng trước ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên trong hầu hết phạm vi Biển Đông, đồng thời gọi những động thái của nước này nhằm kiểm soát chúng là "hoàn toàn bất hợp pháp" và nhấn mạnh Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình tại khu vực.
Trong họp báo hôm 6/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định mọi hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vô giá trị và không có lợi cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông và Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động như vậy.
"Chúng tôi một lần nữa khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam", bà Hằng nói.