Tình báo Mỹ ngày 8/8 công bố báo cáo cho thấy Triều Tiên nhiều khả năng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn lên tên lửa đạn đạo. Giới chuyên gia cho rằng đây là một bước đột phá thể hiện Triều Tiên đã khắc phục được những trở ngại rất lớn về công nghệ và kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, theo KNPR.
"Đây là mục tiêu đầy thử thách. Thu nhỏ đầu đạn hạt nhân là một quá trình khó khăn hơn nhiều so với việc chế tạo thiết bị hạt nhân hoàn chỉnh", chuyên gia James Martin thuộc Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến vũ khí (CNS) khẳng định.
Triều Tiên bắt đầu chương trình hạt nhân của mình từ thập niên 1980 và tuyên bố tiến hành thành công vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006. Tới nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 5 vụ thử hạt nhân với quy mô khác nhau.
Theo các chuyên gia vũ khí, việc sở hữu bom hạt nhân kích thước lớn hoàn toàn nằm trong khả năng về công nghệ của Triều Tiên. Nước này sở hữu các nhà máy ly tâm công suất lớn đủ khả năng làm giàu uranium và plutonium ở cấp độ vũ khí.
Tình báo Mỹ ước tính nước này đang sở hữu tới 60 vũ khí hạt nhân, trong khi các nhóm nghiên cứu độc lập cho rằng con số này chỉ dừng ở mức 20-23. Tuy nhiên, bom hạt nhân chỉ có thể ném bằng máy bay, vốn không phải là thế mạnh của Triều Tiên. Muốn phát huy được tối đa uy lực của vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng buộc phải thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Thách thức lớn nhất mà họ phải đối mặt là đầu đạn hạt nhân sử dụng uranium có kích thước rất cồng kềnh. Uranium là nguyên tố tự nhiên nặng nhất Trái Đất, có khối lượng riêng gấp đôi chì. Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) ở Mỹ khẳng định lõi đầu đạn hạt nhân cần ít nhất 15 kg U-235 làm giàu để có thể hoạt động, chưa kể tới khối lượng rất lớn thuốc nổ thông thường được dùng để kích hoạt chuỗi phản ứng hạt nhân.
Lượng nguyên liệu hạt nhân, thuốc nổ cùng các hệ thống cảm biến, dẫn đường này đều phải được thu gọn hết mức để có thể nằm vừa trong một đầu đạn tên lửa. Nếu đầu đạn quá cồng kềnh hoặc quá nặng, tên lửa sẽ không thể bay xa như thiết kế.
Bom hạt nhân sử dụng lõi plutonium có thể giải quyết vấn đề này, do vật liệu chế tạo có khối lượng nhỏ hơn uranium. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính chỉ cần 4 kg Pu-239 để làm lõi bom, thậm chí nhiều nhà khoa học tin rằng quả bom có thể hoạt động tốt chỉ với một kg đồng vị hạt nhân này.
"Nhiều quốc gia phát triển bom uranium về sau tỏ ý quan tâm tới vũ khí plutonium. Kích thước nhỏ gọn cho phép chúng được triển khai trên nhiều thiết bị mang phóng hơn, hoặc tăng tầm bắn của tên lửa so với đầu đạn uranium", Hans Kristensen, một nhà khoa học hạt nhân Mỹ, cho biết.
Tuy nhiên, đầu đạn plutonium cũng mang tới hàng loạt thách thức lớn không kém. Quá trình chiết xuất, tinh lọc và nén plutonium cần tổ hợp nhà máy khổng lồ với chi phí lớn và mức độ ô nhiễm rất cao. Ngay cả những cường quốc như Mỹ và Nga cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn xử lý vật liệu plutonium.
Ông Kristensen cho rằng đầu đạn hạt nhân là những cỗ máy nhỏ nhưng đầy phức tạp. Quy trình kích nổ lõi vũ khí nguyên tử chỉ diễn ra trong chưa đầy một giây, đòi hỏi nhà sản xuất phải kiểm soát chặt chẽ từng giai đoạn để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Điều này vốn rất khó khăn với một thiết bị hạt nhân cỡ lớn, chưa nói tới các đầu đạn thu nhỏ để lắp cho tên lửa đạn đạo.
Chuyên gia Geoff Brumfiel của NPR cho rằng các kỹ sư Triều Tiên có thể đã tìm được phương án loại bỏ bớt thuốc nổ hoặc vật liệu hạt nhân trong đầu đạn để giảm trọng lượng và kích thước nhưng vẫn đảm bảo phản ứng hạt nhân diễn ra sau vụ nổ.
"Triều Tiên đã 5 lần thử hạt nhân. Các nước khác có thể thu nhỏ đầu đạn sau số lần thử ít hơn, nên việc họ thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân vào thời điểm này là hợp lý", Brumfiel nhận định.