Từ sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Lý Hiển Long và phu nhân về thẳng Dinh Thống Nhất để dự lễ đón của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Sau đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại hội trường Dinh Thống Nhất.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết đây là lần đầu tiên ông đến TP.HCM sau 10 năm. Trong lần trở lại này, ông nhận thấy thành phố đang phát triển rất nhanh.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết ông vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Lý đến thăm và làm việc tại TP.HCM, khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng tăng cường, mở rộng quan hệ hữu nghị với Singapore, cả trên cơ sở song phương lẫn đa phương vì lợi ích của nhân dân 2 nước và hòa bình, ổn định, phát triển trên thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết TP.HCM luôn là tiên phong trong việc đẩy mạnh hợp tác với Singapore, nhiều doanh nghiệp của Singapore đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, ông Phong cũng nói rằng Singapore vẫn chưa có dự án đầu tư mang tính biểu tượng, thể hiện quan hệ tốt đẹp cũng như vị trí của Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào TP.HCM. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong hy vọng Thủ tướng Lý kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Singapore nghiên cứu ý tưởng này.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết hiện TP.HCM có kế hoạch xây dựng 6 tuyến metro để giảm ùn tắc giao thông. Một số tuyến đang được triển khai với công nghệ từ nhiều nước khác nhau và việc kết nối công nghệ, vận hành và quản lý toàn hệ thống metro trở thành bài toán đối với TP.HCM.
TP.HCM đã liên hệ một số đối tác tiềm năng, trong đó có Sở Giao thông Đường bộ TP.HCM, đề nghị giúp rà soát quy hoạch và kết nối công nghệ các tuyến trên. Ông Phong mong chính phủ Singapore tiếp tục xem xét giúp đỡ TP.HCM trong vấn đề này.
Đây là lần thứ ba ông Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam trên cương vị thủ tướng, sau các chuyến công du năm 2010 và 2013. Tháng 9/2013, trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore.
Trước đó, ông cũng từng ghé Việt Nam khi còn là phó thủ tướng vào tháng 4/2000 và dự ASEM 10/2004; 12/2004; 9/2006; dự APEC 11/2006 trên cương vị thủ tướng. Ông dự kiến sẽ có nhiều hoạt động tại TP.HCM trước khi đến Hà Nội trong chuyến thăm lần này.
Việt Nam và Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và tích cực hợp tác cùng phát triển trong suốt 44 năm qua trên nhiều phương diện như hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật…
Kể từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Singapore coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Singapore ở Đông Nam Á.
Từ 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm. Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101) với tổng vốn 39 tỷ USD.
Các nhà đầu tư Singapore đầu tư tại 46/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Địa phương thu hút nhiều vốn FDI từ Singapore nhất là TP.HCM với 799 dự án, có số vốn đăng ký đạt 9,75 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng số vốn đăng ký tại Việt Nam.
Năm 2014, Singapore đứng thứ 5 trong top các điểm đến du học của sinh viên Việt Nam với khoảng 8.500 sinh viên.
Singapore cũng đang tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình nghị sự chuẩn bị cho APEC 2017. Liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm và bảo vệ lập trường chung của ASEAN.