Tình cảnh khốn khổ của người dân tại Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hôm 21/2, giao tranh ác liệt đã làm rung chuyển Dải Gaza trong bối cảnh các cơ quan viện trợ cảnh báo nạn đói sắp xảy ra và các cuộc đàm phán về thoả thuận ngừng bắn vẫn chưa đạt được kết quả.
Trẻ em Palestine tại khu lều tạm ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 13/12/2023.
Trẻ em Palestine tại khu lều tạm ở Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, ngày 13/12/2023.

Nạn đói bao trùm Gaza

Theo hãng tin AFP, Nhà Trắng đã cử đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Brett McGurk đến Cairo để nối lại các cuộc đàm phán với sự tham gia của các nhà hòa giải và Hamas. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Mỹ chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza.

Trong bối cảnh đó, mối lo ngại về số người thiệt mạng và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này đang ngày càng gia tăng.

Giao tranh và hỗn loạn tiếp tục gây cản trở việc cung cấp viện trợ cho dân thường. Liên hợp quốc cảnh báo khoảng 1,4 triệu người ở Gaza đang đứng trên bờ vực nạn đói và có thể phải đối mặt với “sự bùng nổ” số trẻ em tử vong.

Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết họ buộc phải dừng việc vận chuyển hàng viện trợ đến phía Bắc Gaza vì tình trạng hỗn loạn và bạo lực leo thang, sau khi một đoàn xe tải bị nổ súng và bị những kẻ cướp bóc tràn lên cướp lương thực.

Hamas gọi hành động này là “bản án tử hình”.

Theo cơ quan y tế tại vùng lãnh thổ do Hamas điều hành, Israel đã tiếp tục thúc đẩy các cuộc tấn công vào Gaza, khiến 118 người thiệt mạng trong 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong từ khi giao tranh nổ ra lên tới 29.313 người.

Phóng viên AFP cho biết các cuộc không kích vẫn tiếp diễn ra vào tối ngày 21/2.

Abdel Rahman Mohamed Jumaa cho biết anh đã mất gia đình trong các cuộc không kích ở Rafah, vùng cực Nam của Gaza.

“Tôi tìm thấy vợ tôi nằm trên đường. Sau đó, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang bế một bé gái. Tôi chạy về phía anh ta, bế cô bé lên và nhận ra đó chính là con gái tôi”, anh Abdel chia sẻ.

Mối lo ngại của Rafah

Trong khi đó, việc lực lượng Israel không kích thành phố Rafah ở phía Nam Dải Gaza đang khiến dư luận không khỏi quan ngại. Tại thành phố này, khoảng 1,5 triệu người đang sống trong những nơi trú ẩn đông đúc và những túp lều tạm bợ.

Các nhóm cứu trợ cảnh báo cuộc tấn công trên bộ có thể biến Rafah thành một “nghĩa địa”. Trong khi Washington kêu gọi dân thường trước hết phải rời khỏi nơi nguy hiểm.

Hôm 21/2, người Palestine ở Rafah đã phải đào những ngôi mộ mới trên cát. Nhiều thi thể được chở trên những chiếc xe kéo thô sơ.

Israel cho biết họ đã cho phép 98 xe tải nhân đạo vào khu vực hôm 20/2. Trong khi đó, một nhóm bao gồm 80 tổ chức phi chính phủ quốc tế cảnh báo viện trợ đang phải đối mặt với sự chậm trễ kéo dài và bị các cuộc thanh tra của Israel từ chối nhập cảnh.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định quân đội sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi tiêu diệt được Hamas và giải thoát 130 con tin còn lại, khoảng 30 người trong số đó được cho là đã tử vong.

Theo thống kê của AFP từ các số liệu chính thức của Israel, kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công vào ngày 7/10, đã có khoảng 1.160 người Israel, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng. Hamas cũng bắt giữ khoảng 250 con tin. Nhiều người trong số họ đã được trả tự do sau lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần vào cuối tháng 11/2023.

Đáp trả, Israel đã ném bom dữ dội vào Gaza và tiến hành một cuộc tấn công trên bộ. Quân đội và xe tăng tràn từ phía Bắc xuống phía Nam, khiến những vùng đất rộng lớn bị phá hủy hoàn toàn và nhiều người phải vật lộn để tìm nguồn cung thiết yếu.

Một xưởng may ở Rafah cho biết họ đang phải sản xuất tã lót tạm thời bằng bông y tế, gạc và vải áo phòng thí nghiệm. Các công đoạn đều được làm thủ công. Xưởng may cảnh báo rằng công suất của họ không đủ để đáp ứng nhu cầu.

Cô Hanan al-Bahtiti, chia sẻ con gái bé bỏng của cô đang bị phát ban trên da rất đau đớn.

“Tôi không có tiền để mua thức ăn, vậy làm sao tôi có thể mua tã cho con bé. Con tôi khóc trong đau đơn còn tôi chỉ biết nhìn con bé mà khóc”, cô Hanan cho biết.

Hy vọng về thoả thuận ngừng bắn mới

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng Gaza đã trở thành “vùng chết chóc”.

Ông McGurk, điều phối viên Nhà Trắng về Trung Đông và Bắc Phi, đã có mặt tại Ai Cập trong nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận trả tự do cho các con tin, trước khi tới Israel hôm 22/2.

Nhóm chiến binh Hamas cho biết thủ lĩnh Ismail Haniyeh đã tới thủ đô Cairo để đàm phán.

Qatar và Ai Cập đã đề xuất kế hoạch trả tự do cho các con tin để đổi lấy việc tạm dừng giao tranh và thả tù nhân Palestine, nhưng Israel và Hamas cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Washington lập luận rằng việc chấp thuận nghị quyết của Liên hợp quốc hôm 20/2 sẽ cản trở những nỗ lực đang diễn ra nhằm giải thoát con tin sau khi nước này phủ quyết một nghị quyết do Algeria soạn thảo yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức và trả tự do cho tất cả con tin.

Hamas cho biết quyền phủ quyết của Mỹ chẳng khác nào “bật đèn xanh cho ... thêm nhiều vụ thảm sát”.

Khi cuộc chiến Gaza đã kéo dài sang tháng thứ năm, Israel phải đối mặt với làn sóng chỉ trích quốc tế ngày càng tăng.

Cuộc chiến này cũng gây ra các cuộc đụng độ ở những khu vực khác tại Trung Đông, với sự tham gia của các nhóm vũ trang thân Iran ở Liban, Syria, Iraq và Yemen.

Tại Syria, truyền hình nhà nước cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng ở Damascus. Israel đã từ chối bình luận về cáo buộc trên.

Hôm 21/2, phong trào Hezbollah của Liban đã nã tên lửa vào Israel, sau khi cuộc không kích trước đó của Israel vào miền Nam Liban khiến một phụ nữ và một bé gái thiệt mạng.

Bạo lực cũng bùng phát ở Bờ Tây, nơi Israel cho biết quân đội của họ đã tiêu diệt 3 chiến binh Palestine trong cuộc đột kích trong đêm.

Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước nhằm nhanh chóng đảm bảo các con tin được trả tự do.

Một cuộc thăm dò được công bố hôm 21/2 cho thấy đa số người Israel không tin rằng "chiến thắng tuyệt đối" là kết quả có thể xảy ra trong cuộc xung đột hiện nay. Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu khẳng định Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến khi đạt mục tiêu đó.

Ấn bản tiếng Trung của 2 cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” và “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời”
Ra mắt hai cuốn sách văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Từ TP.Nam Ninh, Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cho biết vào chiều ngày 16/11 vừa qua, Công ty Chibooks đã phối hợp với NXB Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây tổ chức ra mắt ấn bản tiếng Trung cho hai cuốn sách về văn hóa Việt.
Buổi thực hành của lớp cồng chiêng và múa xoang bên mô hình nhà Rông đặc trưng ngay tại sân trường THCS Tân Thượng.
Bảo tồn văn hóa K’Ho ở mái trường vùng sâu cao nguyên Di Linh
(Ngày Nay) - Để bản sắc dân tộc K’Ho không bị mai một, thầy và trò Trường Trung học Cơ sở Tân Thượng (xã Tân Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đã cùng nhau triển khai mô hình bảo tồn văn hóa ngay tại mái trường thân yêu. Hoạt động ý nghĩa này đã góp phần giữ gìn văn hóa đặc trưng của người dân tộc K’Ho ở cao nguyên Di Linh nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Ảnh minh hoạ.
Việt Nam tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng
(Ngày Nay) - Theo Bộ Y tế, kháng thuốc là một mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với tình trạng kháng thuốc gia tăng. Việc phòng, chống kháng thuốc đòi hỏi sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.