Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 750 triệu trẻ em gái dưới 18 tuổi đã kết hôn, khoảng 30% trong số đó đã phải lấy chồng khi chưa tới 15 tuổi.
Tảo hôn không chỉ tước đi cơ hội học hành của trẻ em gái, mà việc mang thai và sinh con sớm có nguy cơ gây tử vong cao hơn. Kết hôn khi còn quá trẻ cũng có thể góp phần gây ra đói nghèo và bạo lực gia đình.
UNICEF vào tháng 3 ước tính rằng 10 triệu vụ tảo hôn có thể xảy ra trước năm 2030, tình trạng đóng cửa trường học dự báo sẽ làm tăng tỷ lệ tảo hôn lên 25% và các cuộc hôn nhân vì mục đích tài chính có thể tăng 3%. Tổ chức này dự đoán rằng 100 triệu trẻ em dưới tuổi vị thành niên sẽ kết hôn vào năm 2030.
Nhóm nhân đạo quốc tế Save the Children ước tính rằng có khoảng 500.000 cuộc tảo hôn nhân diễn ra vào năm 2020. Nhóm này cho biết khoảng 2,5 triệu trẻ em khác sẽ phải kết hôn vào năm 2025 do đại dịch và suy thoát kinh tế.
Các ''điểm nóng" diễn ra vấn nạn này bao gồm Ấn Độ, Tây và Trung Phi, Nam Mỹ và khu vực Caribe.
Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất luật nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu đối với phụ nữ từ 18 lên 21 tuổi nhằm ngăn chặn tình trạng này.
"Chúng tôi đang làm điều này để trẻ em có thời gian học tập và tiến bộ", Thủ tướng Narendra Modi cho biết sau khi Dự luật Cấm tảo hôn được đưa ra tại quốc hội vào ngày 22/12.
Dữ liệu của nước này cho thấy có 785 cuộc tảo hôn xảy ra vào năm 2020 - tăng 50% so với năm trước và cao nhất trong 5 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lớn người mất việc làm trong bối cảnh đại dịch, khiến cuộc sống của các gia đình nghèo ngày càng khó khăn.
Vào năm 2019, Indonesia - quốc gia đạo Hồi đông dân nhất thế giới, đã nâng độ tuổi kết hôn tối thiểu của phụ nữ từ 16 lên 19 mà không cần sự chấp thuận của các tòa án tôn giáo. Nhưng hơn 33.000 cuộc tảo hôn đã được phê duyệt chỉ trong nửa đầu năm 2020, vượt qua con số 22.000 của cả năm 2019.
Bất ổn chính trị cũng có thể khiến nạn tảo hôn gia tăng. Vào tháng 8, Taliban đã nắm quyền kiểm soát Afghanistan, gây ra lo ngại về việc gia tăng các cuộc hôn nhân dưới tuổi vị thành niên, do chính quyền mới có quan điểm hà khắc với phụ nữ.
Bà Mikiko Otani, Chủ tịch Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc cho biết: “Nếu trẻ em gái bị tước đi cơ hội đến trường, nó sẽ gây ra hậu quả tiêu cực tương tự như đại dịch."
Ủy ban này cũng đang kêu gọi các quốc gia quy định độ tuổi kết hôn tối thiểu một cách vô điều kiện là 18. UNICEF và các tổ chức khác cũng đang tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức cho các nhà lãnh đạo tôn giáo.
“Điều quan trọng đối với chúng tôi là giúp các bé gái có thể tự đứng trên đôi chân của mình sau khi hoàn thành chương trình học", bà Otani nói.