Tiếng máy móc ầm ĩ và xe cộ ùn tắc quanh những công trường bụi bặm đã trở nên quá phổ biến tại Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn nhì thế giới tích cực xây dựng những tòa nhà chọc trời. Trong gần 10 năm qua, mỗi năm, Trung Quốc tạo ra nhiều nhà cao tầng hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, theo Hiệp hội Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị.
Biểu tượng của quá trình trên chính là Shanghai Tower - tòa nhà 128 tầng, cao 632m. Đây là tòa nhà cao nhất Trung Quốc và cao nhì thế giới.
Nó có rất nhiều thiết kế độc đáo, với thang máy nhanh nhất thế giới, đài quan sát hoành tráng và thậm chí được chấm điểm rất cao về tòa nhà xanh bởi các tổ chức ở cả Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Shanghai Tower đang phản ánh vấn đề lớn trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Tòa nhà này vẫn rất chật vật thu hút khách thuê, kể từ khi hoàn thiện cách đây 3 năm.
Toàn bộ các tầng ở Shanghai Tower đều trống rỗng. Khách sạn xa xỉ dự kiến đặt tại đây vẫn chưa mở cửa, và hành lang chẳng một bóng người. Một phần nguyên nhân là họ gần đây mới lấy được chứng nhận an toàn cháy nổ. Còn lý do lớn hơn là các công ty đang tìm cách cắt giảm chi phí trong bối cảnh tăng trưởng tại Trung Quốc chậm lại.
"Khi ngày càng nhiều nhà cao tầng mọc lên trên khắp Thượng Hải cũng như các thành phố khác ở Trung Quốc, tỷ lệ bất động sản bị bỏ trống sẽ còn rất cao trong một thời gian nữa", Anny Zhang - Giám đốc văn phòng cho thuê tại Thượng Hải của Jones Lang LaSalle cho biết. Họ là một trong những hãng môi giới bất động sản cho Shanghai Tower.
Tỷ lệ trống tại các văn phòng hạng sang ở Thượng Hải đã lên 12% trong quý I. Khi các thành phố lớn cũng gặp rắc rối thế này, thành phố nhỏ còn khó khăn gấp bội.
Jones Lang LaSalle cho biết 60% diện tích văn phòng trong Shanghai Tower đã có người thuê, nhưng chỉ một phần ba khách là dọn về đây. Những khách hàng lớn của họ là Alibaba và hãng luật AllBright, CBRE cho biết.
Dù vậy, "đây vẫn là một tòa nhà biểu tượng", Andrew Nicholson - Giám đốc mảng dịch vụ tài sản châu Á - Thái Bình Dương tại CBRE đánh giá, "Khi hạ cánh tại sân bay Pudong, anh sẽ thấy Shanghai Tower. Cũng như mọi tòa nhà khác thôi, anh không chỉ quảng bá diện tích văn phòng, anh quảng bá một cộng đồng, một môi trường".
Đó chính xác là những gì hấp dẫn AllBright, Chen Guang - luật sư tại hãng luật này cho biết. "Tòa nhà này rất độc đáo tại Trung Quốc. Và điều đó phù hợp với hình ảnh công ty chúng tôi. Chúng tôi là người dẫn đầu trong mảng dịch vụ pháp lý", Chen nói.
Bất chấp các vấn đề mà tòa nhà cao nhất Trung Quốc đang gặp phải, cả JLL và CBRE đều tự tin thị trường sẽ đi lên trong dài hạn. Ví dụ, các chương trình và chính sách của chính phủ sẽ tiếp tục thu hút các công ty đến những nơi như khu vực mậu dịch tự do hay đặc khu kinh tế. Do họ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi.
Nhu cầu từ các công ty nhỏ hơn cũng sẽ tăng lên, khi họ muốn nâng cấp văn phòng, Zhang dự báo. Cô cho biết xu hướng gần đây là các công ty lớn tìm cách chuyển sang các tòa nhà ở ngoại ô để có giá thuê rẻ hơn, đặc biệt nếu các tòa nhà này gần tuyến tàu điện ngầm và có đầy đủ dịch vụ như trung tâm thương mại, căn hộ, phòng tập.
Dù tại Thượng Hải, trong 6-12 tháng tới, "thị trường bất động sản thương mại sẽ không có chuyển biến lớn và giá thuê vẫn đứng yên, chúng tôi vẫn dự báo thị trường sẽ bắt đầu đi lên", Zhang cho biết. Tuy nhiên, tại các thành phố nhỏ hơn với thách thức tương tự, chủ bất động sản sẽ phải cân nhắc hạ giá thuê.
Hiện tại, Shanghai Tower vẫn đang nỗ lực thu hút khách thuê với giá cao nhất, nhờ có vị thế biểu tượng, JLL cho biết. Tòa nhà này cũng là ví dụ cho xu hướng mới trên thị trường, đó là thân thiện với môi trường và tập trung nhiều hơn vào các tính năng ẩm thực, bán lẻ, Nicholson cho biết.
Cư dân Thượng Hải cũng rất chào đón tòa nhà này. "Nó rất đẹp và hiện đại", Wang Bin - một người dân sống gần đó nhận xét, "Cứ như một con rồng đang bay lên bầu trời vậy".