Nhiều phụ huynh phản đối
Anh V. có con đang học lớp 3 tại Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong (TP.Thủ Đức) phản ánh, trường vừa thông báo sẽ triển khai thí điểm chuyển đổi số dạy và học trong học kỳ II năm học 2023-2024.
Học sinh sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng để học thông qua ứng dụng LMS360 E-Learning. Sang năm học sau (2024-2025), việc này sẽ được áp dụng chính thức và phụ huynh phải nộp phí sử dụng ứng dụng.
Anh V. phàn nàn, chương trình học của các cháu hiện đã có hai môn liên quan đến tin học là: Đề án tin học chuẩn quốc tế và dạy lớp tin học tự chọn. Nay, trường lại vận động phụ huynh ủng hộ, tham gia dạy và học qua ứng dụng LMS360 E-Learning, học sinh phải sử dụng điện thoại, máy tính bảng để thực hiện.
Giao diện ứng dụng LMS 360 E-Learning do Công ty Bách Khoa phát triển. |
“Với ứng dụng LMS360, các thầy cô sẽ quay clip hướng dẫn bài học hoặc các câu hỏi trắc nghiệm, các bé mở ứng dụng trên điện thoại tương tác, trả lời, một dạng bài tập online. Ban đầu, trường sẽ cho học thử nghiệm ở nhà, có ba mẹ theo dõi, sau đó tự sử dụng.
Tôi nghe nói trong học kỳ tới đây, một tuần học hai buổi. Dù vậy, nhưng việc lạm dụng quá nhiều vào điện thoại, máy tính bảng là bất cập. Con tôi ở nhà đã khó kiểm soát, vắng người lớn là cháu xem hoạt hình, chơi game ngay. Con còn xoá cả những ứng dụng không cần thiết, như ứng dụng nhắn tin, làm việc của tôi để tải game về chơi nữa kìa...”, anh V. lo lắng.
Thông tin nói trên gây xôn xao trong nhóm phụ huynh của lớp, một số người không bày tỏ quan điểm ủng hộ hay bác bỏ, nhưng số còn lại không đồng tình với cách làm của trường. “Tự nhiên không làm bài bằng vở đàng hoàng mà làm qua cái màn hình điện thoại bé tí, tôi xót mắt con lắm…”, phụ huynh A. phàn nàn.
Cùng tâm trạng, anh K. nói: “Đầu năm có thêm môn Đề án tin học quốc tế, đóng 150.000 đồng/tháng. Con học về kêu không hiểu, không biết gì hết. Con còn quá nhỏ mà nhồi nhét quá nhiều thì làm sao mà tiếp thu nổi…”.
“Thực trạng trẻ em đắm chìm vào điện thoại được cảnh báo nhiều lắm rồi, phụ huynh muốn tách ra còn chưa được, đằng này trường lại yêu cầu học qua điện thoại, thật không hiểu nổi. Con học cả ngày trên trường, về nhà còn bắt học 4.0 như vậy khác gì đang lập trình thành rô bốt đâu…?”, nhiều phụ huynh không đồng tình với việc học sinh tiểu học phải học qua ứng dụng LMS360 E-learning trên điện thoại, máy tính bảng vì lo ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trường nói gì?
Trao đổi với phóng viên về những vấn đề phụ huynh phản ánh, đại diện Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong cho biết, trường chỉ thực hiện theo chủ trương chung của TP.Thủ Đức là chuyển đổi số trong giáo dục.
Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong |
LMS360 E-Learning chỉ là một trong những ứng dụng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Trong buổi tập huấn giới thiệu các đơn vị phát triển ứng dụng, có sự tham gia nhiều trường và thầy cô cốt cán, LMS360 E-Learning có giao diện gần gũi, dễ thao tác... nên trường chọn phối hợp. Mỗi học sinh sẽ có một tài khoản được tạo dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu có sẵn của ngành giáo dục rồi giao cho trường.
Trường khẳng định, hoàn toàn không có việc học sinh sẽ mang điện thoại đến lớp học. Năm vừa rồi đã có văn bản về chuyển đổi số, năm nay không chỉ riêng trường Đỗ Tấn Phong mà tất cả các trường phải áp dụng. Từ đầu năm học này, khi trường vận động thì phụ huynh không đồng thuận nên trường quyết định không tổ chức nữa.
Sau đó, đến tháng 10/2023, có văn bản chỉ đạo về (tức văn bản số 1617/KH-GDĐT của Phòng Giáo dục Đào tạo TP.Thủ Đức - PV), trường mời Công ty Bách Khoa (Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Bách Khoa, đơn vị xây dựng ứng dụng LMS360 E-Learning) tập huấn cho giáo viên nhưng giáo viên cũng chưa làm được.
Trường phải sắp lịch những tiết mà giáo viên được nghỉ để thầy dạy tin học tiếp tục hướng dẫn, tập tành cho quen. Nhưng giáo viên làm được mà không có học sinh tương tác cũng không được nên phía Công ty Bách Khoa mới miễn phí năm học này để thầy và trò đẩy mạnh tương tác trên ứng dụng đó.
Mỗi tuần, trường cho giáo viên giao việc cho học sinh hai lần. Ví dụ, như một lớp học đảo ngược, một tiết học chỉ có 35 phút mà để học sinh phát huy được năng lực thì phần giao việc ở nhà rất quan trọng. Cô giáo quay một đoạn video cho học sinh nghe và có hai ba câu trả lời. Học sinh chọn vào đó là xong việc, chỉ cần lên LMS360 làm từ 10-15 phút là tối đa.
Hôm sau lên trường, thầy cô giáo sẽ rút ngắn được thời gian giảng dạy, chủ yếu cho học sinh trao đổi, nêu suy nghĩ bản thân.
Ở học kỳ I vừa qua, trường chỉ khuyến khích học sinh. Các lớp lớn vào ứng dụng nhiều còn lớp nhỏ thì ít, vì bé quá nhỏ phải nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh. Qua học kỳ II, trường đẩy mạnh việc tương tác trên LMS360 E-Learning vì đang miễn phí. Năm nay hoàn toàn không yêu cầu đóng tiền. Năm học tới sẽ bắt đầu thu số tiền 110.000 đồng/học sinh/năm, theo trường.
Đánh giá về tính khả thi và hiệu quả khi triển khai giao việc cho học sinh tiểu học chỉ mới 6-10 tuổi qua ứng dụng LMS360 E-Learning, trường cho biết hiện tại chỉ mới ở giai đoạn tập làm quen nên chưa thể nói được điều gì. Vì thế nên trong văn bản 1617 của Phòng Giáo dục Đào tạo TP.Thủ Đức mới có phần báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện, để căn cứ điều chỉnh cho năm học tiếp theo.
Theo văn bản 1617 của Phòng Giáo dục Đào tạo TP.Thủ Đức, không chỉ riêng cấp tiểu học phải thực hiện mà đối tượng còn có cả các cơ sở giáo dục Mầm non (và cấp trung học cơ sở) trên địa bàn. Liệu, việc chuyển đổi số theo hình thức dạy và học qua ứng dụng LMS360 E-Learning (hay các ứng dụng khác) trên điện thoại, máy tính bảng đối với các bé chỉ từ 3-10 tuổi có phù hợp?!
Phóng viên đang cố gắng liên hệ với người có trách nhiệm ở UBND TP.Thủ Đức về các vấn đề phụ huynh phản ánh và tiếp tục thông tin khi có phản hồi.
Vào tháng 6/2023, Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM có văn bản thống nhất với Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Bách Khoa về việc triển khai Hệ thống giáo dục trực tuyến LMS360 E-Learning đến cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố dựa trên nhu cầu và lựa chọn của đơn vị.
Hiện nay, một số trường THCS, THPT bắt đầu áp dụng dạy và học trên ứng dụng LMS360 E-Learning với thời lượng một vài tiết/tuần. Một số trường tiểu học ở Quận 3 chỉ áp dụng thí điểm cho học sinh lớp 5, các lớp còn lại không triển khai. Mức phí sử dụng ứng dụng khoảng 100.000 đồng/học sinh/năm.
Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Bách Khoa do ông Huỳnh Quốc Thắng (SN 1983) làm Tổng Giám đốc, được thành lập vào tháng 2/2022, vốn điều lệ 10 tỷ đồng, trụ sở hiện nay ở Q.Tân Bình, TP.HCM.