Sự kiện bách hoa đã một lần nữa chứng minh được sức hút của mình khi nhận được sự đồng hành từ hàng trăm người tham gia, không phân biệt tuổi tác. Họ khoác lên mình những bộ phục trang lộng lẫy đi diễu hành quanh hồ Hoàn Kiếm, trước sự tán thưởng của khách du lịch quốc tế lẫn người dân địa phương.
Không còn là một cuộc dạo chơi giữa những người yêu trang phục nước nhà thuần túy, "Bách Hoa Bộ hành" năm nay đã được nâng tầm trở thành một tiết mục chính thức nằm trong khuôn khổ Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội (diễn ra trong khoảng thời gian 27-29/10/2023) do Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức và Sở Du lịch TP Hà Nội - Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội tổ chức thực hiện. Đặc biệt, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá & Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và ThS Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt mặc áo tấc truyền thống, tham gia diễu hành "Bách Hoa Bộ hành" cùng các thành viên Đình làng Việt.
Vẫn với cung đường quen thuộc, đoàn diễu hành đã đi vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm, từ Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ, đến Ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay, Nhà Thuỷ Tạ, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Đền Bà Kiệu, Đền Ngọc Sơn, Sân khấu Vườn hoa Đền Bà Kiệu. Theo chia sẻ của BTC, bên cạnh áo dài, Nhật Bình và Ngũ thân đã dần được đông đảo mọi người biết đến, sự kiện diễu hành còn có sự xuất hiện của những trang phục như Mãng Bào, Mãng Lan, giao lĩnh... và đa dạng các loại nón truyền thống của người Việt.
"Thực ra, hôm nay nhiều người nhìn vào vẫn tưởng đồ Tàu, Nhật, Hàn," chị Nga Phan, một người tham gia đoàn diễu hành chia sẻ. Chị bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, đông đảo người dân sẽ biết về các loại trang phục đa dạng của dân tộc hơn, biết được trong dòng chảy quá khứ, những loại trang phục đã xuất hiện, biến đổi và được ứng dụng ra sao.
Với đà phát triển như hiện tại, "Bách Hoa Bộ hành" được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực lan toả giá trị cổ phục, thúc đẩy sự tìm về cội nguồn di sản ngàn năm của đất Việt.
Cùng chiêm ngưỡng những trang phục Việt được ghi lại tại sự kiện:
* Ảnh được cung cấp bởi BTC "Bách Hoa Bộ hành".