Vào tháng 11/2019, bức "Universe 5-IV-71 # 200" (Vũ trụ, 1971) được bán đấu giá với mức kỷ lục 13,2 tỷ won (tương đương 88 triệu đô la Hồng Kông) tại Nhà đấu giá Christie, Hong Kong. Bức tranh được công nhận là tác phẩm nghệ thuật Hàn Quốc đắt nhất từng được đấu giá từ trước đến nay.
Danh họa Kim Whanki cũng từng thử sức với sơn dầu hay dùng bột màu vẽ lên các vật dụng hàng ngày. Trong số đó, một chiếc đĩa đất nung có chân dung một phụ nữ đã trở thành tác phẩm đầu tiên lộ diện trước công chúng vào năm ngoái, khi ông Hahn Ki-hoh (84 tuổi), chủ nhân hiện tại của chiếc đĩa, quyết định mang chiếc đĩa đến Bảo tàng Whanki ở trung tâm Seoul, sáu thập kỷ sau khi bức vẽ trên đĩa đất được hoàn thành.
Theo ông, tác phẩm của bậc thầy Kim Whanki có giá trị rất lớn đối với công chúng yêu nghệ thuật, sẽ thật đáng tiếc nếu tác phẩm này mãi mãi nằm trong nhà ông và không được ai biết đến. "Giờ tôi đã 84 tuổi. Tôi không biết mình còn bao nhiêu thời gian trên trái đất này nữa. Trước khi nói lời tạm biệt cuối, tôi muốn đưa ra quyết định đúng đắn về số phận của tác phẩm này."
Được biết, ông Hahn trở thành chủ nhân của tác phẩm nghệ thuật này vào năm 1962 một cách tình cờ, "Hồi đó, tôi không phải là một nhà sưu tập, cũng không phải là một người đam mê nghệ thuật. Tôi chỉ là một phóng viên tại văn phòng thành phố, và chẳng biết gì nhiều về thế giới [nghệ thuật] này."
Một ngày nọ, ông đến thăm nhà của người bạn thời đại học tên là Zoh Myeong-han. Ở đó, ông bắt gặp một bức tranh treo tường tuyệt đẹp, một tác phẩm của họa sĩ Kim Whanki. Đó là lần đầu tiên ông Hahn nghe đến tên của vị họa sĩ này. Hóa ra chị gái của ông Zoh chính là bạn thân từ thời đại học của vợ họa sĩ Kim Whanki. Vợ của họa sĩ đã tặng gia đình người bạn bốn tác phẩm từ bộ sưu tập của chồng mình.
Ông Zoh sau đó đã tặng cho ông Hahn một món quà, chính là chiếc đĩa đất nung rộng 30cm, bề mặt phủ đầy những nét vẽ thô, tạo nên bức chân dung của một người phụ nữ với đôi mắt to dài. Khi xem xét kỹ hơn, có thể nhận thấy bên cạnh khuôn mặt của người phụ nữ, tròn như cái đĩa, là chữ "Whanki", chữ ký mang tính biểu tượng của họa sĩ Kim Whanki. Mặt sau của chiếc đĩa có ghi số "1961" - năm họa sĩ Kim Whanki giữ chức vụ Trưởng khoa Mỹ thuật, Đại học Hongik, Seoul.
Chiếc đĩa đất có chân dung người phụ nữ hiện đang được trưng bày tại triển lãm "Kim HyangAn, Souvenirs de Paris," tại khu phụ của Bảo tàng Whanki. Bên cạnh khuôn mặt của người phụ nữ là chữ ký của Kim Whanki, "Whanki." |
Ông Hahn nhớ lại: "Lúc đó, tôi không biết món quà có thể có giá trị nhiều như vậy". Chiếc đĩa đã tồn tại trong nhà ông trong suốt vài thập kỷ sau đó. Có thời điểm, trong gần 10 năm, mẹ ông còn sử dụng chiếc đĩa như... vật thay thế cho nắp nồi đất và thường để ở sân trước. Cuối cùng, ông quyết định đặt chiếc đĩa quà tặng đó vào tủ trưng bày.
Thời gian trôi qua, ông Hahn bắt đầu nhìn thấy tên của họa sĩ Kim Whanki thường xuyên hơn, khi các tác phẩm của vị họa sĩ lần lượt được công nhận rộng rãi trong làng nghệ thuật. Bất cứ khi nào điều đó xảy ra, ông đều gọi điện cho ông Zoh và đề nghị trả lại chiếc đĩa, nhưng ông Zoh luôn từ chối.
Vào cuối năm 2019, khi nghe tin tác phẩm của Kim Whanki được đấu giá với mức kỷ lục tại Nhà Christie, Hong Kong, ông Hahn lại gọi điện cho ông Zoh một lần nữa. "Tôi phải nói với bạn mình, vì việc giữ một tác phẩm [quá giá trị] của họa sĩ Kim Whanki khá là áp lực."
Lần này, câu trả lời lạnh lùng hơn nhiều, "Không!"
"Rất lâu sau, tôi mới biết lúc ấy Zoh đang mắc bệnh ung thư phổi. Ông ấy hẳn đã nghĩ rằng tất cả những lời bàn tán về giá trị nghệ thuật và vận may chẳng có nghĩa lý gì đối với mình."
Ông Hahn Ki-hoh, chủ nhân của chiếc đĩa được cho là tác phẩm tạo ra bởi bậc thầy trừu tượng Kim Whanki. |
Sau đó, ông Hahn quyết định gõ cửa Bảo tàng Whanki, một bảo tàng nghệ thuật tư nhân được thành lập bởi Kim HyangAn và Quỹ Whanki vào năm 1992. Ở đây, người ta chỉ ra rằng chiếc đĩa có nét tương đồng nổi bật với bức "Chân dung HyangAn" được vẽ vào những năm 1960 của danh họa Kim Whanki trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu riêng về hình tượng được vẽ trên đồ đất nung, đồng thời mời đến một chuyên gia gốm sứ nhằm kiểm tra tình trạng hiện tại của chiếc đĩa [và phương pháp chế tác], cách chiếc đĩa được nung trong lò và tráng men như thế nào.
Mặc dù bảo tàng không cấp giấy chứng nhận tính xác thực, nhưng dựa trên các yếu tố về hình tượng, phương pháp tạo ra và năm sản xuất giả định (1961), rất có thể hình vẽ trên chiếc đĩa là do chính danh họa Kim Whanki vẽ nên. Đó là lý do phía Bảo tàng quyết định trưng bày tác phẩm này, sau khi ông Hahn đồng ý cho mượn.
Kể từ năm ngoái, tác phẩm đã được trưng bày tại hai cuộc triển lãm tại khu phụ của Bảo tàng Whanki, cùng với những kỷ vật khác của vợ chồng họa sĩ.