Ông Abe, người đang có chuyến thăm Mỹ hôm cuối tuần trước, khi Triều Tiên bắn thử nghiệm một tên lửa ra vùng biển Nhật Bản, là vị lãnh đạo quốc tế lên án trực tiếp động thái này ngay sau khi nó xảy ra.
“Hành động này rõ ràng nhằm vào Nhật Bản” - Carl Schuster, giáo sư thuộc Đại học Hawaii và từng là cựu giám đốc các chiến dịch thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định.
Dù Hàn Quốc tỏ ra hết sức lo ngại về các diễn biến thử nghiệm tên lửa và hạt nhân từ Bình Nhưỡng, giới chuyên gia vẫn chú ý rằng luận điệu đe dọa từ Triều Tiên trong thời gian gần đây đã bớt ồn ào và thù địch hơn kể từ sau khi Tổng thống Parkr Geun-hye bị luận tội.
“Kể từ hồi tháng trước, họ đã tỏ ra thận trọng, tránh đưa ra các hành động khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc” - cựu Đại sứ Mỹ tại nước này, Christopher Hill, nhận định - “Bởi mỗi lần Triều Tiên đưa ra hành động khiêu khích kiểu này, sự việc dường như có lợi hơn cho giới chính trị đường lối cứng rắn ở Hàn Quốc”.
Về phần mình, ông Abe đã gọi cuộc thử nghiệm trên là hành động “không thể nhân nhượng”, trong khi Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói rằng đó là “hành động khiêu khích rõ ràng đối với Nhật Bản và khu vực”.
Giới chức Hàn Quốc dẫn lời một số phân tích quốc phòng cho hay tên lửa trên là một phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Musudan. Nó bay được khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Các IRBM thường có tầm bắn từ 3.000 - 5.500 km - tức vượt xa Hàn Quốc, có thể bay tới nhiều bang của nước Mỹ.
Bất đồng chưa dứt
Nhật Bản và Hàn Quốc vốn không hề có mối quan hệ ngoại giao sôi động, nhưng trong những năm gần đây đã xuất hiện một số nỗ lực bình thường hóa quan hệ.
Một trong những vụ việc tranh chấp căng thẳng nhất giữa hai nước tính cho đến nay là một số trường hợp công dân Nhật Bản bị phía Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970, 1980. Bình Nhưỡng từng thừa nhận và xin lỗi về các vụ việc trên, nhưng vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích mà phía Nhật chấp nhận được. Tokyo từng nhiều lần nhắc lại rằng quan hệ song phương sẽ không thể bình thường hóa nếu như các vụ bắt cóc trên chưa được làm rõ.
Ngày nay, quan điểm thù địch của Triều Tiên đối với Nhật Bản xuất phát từ mối quan hệ gần gũi giữ Tokyo và Seoul - quốc gia được Nhật mô tả là “nước láng giềng quan trọng nhất” của họ - và Mỹ. Ngoài ra, sự thù địch này cũng xuất phát từ sự chiếm đóng của quân đội Nhật từ thời Thế chiến II trên bán đảo Triều Tiên.
Ảnh hưởng về địa chính trị
Bất kỳ một vụ thử nghiệm tên lửa nào của Triều Tiên cũng được giới chuyên gia xem xét trên hai phương diện: Kỹ thuật và chính trị. Thậm chí ngay cả khi một vụ thử nghiệm được cho là thất bại, nó vẫn gây tầm ảnh hưởng về mặt chính trị.
Về mặt kỹ thuật, Bình Nhưỡng luôn cố gắng đạt được bước tiến trong công nghệ chế tạo tên lửa và chúng ta đã thấy được họ đã tiến bộ rõ rệt trong thời gian vài năm trở lại đây. Hiện nay, trọng tâm của chương trình tên lửa hạt nhân là nới rộng tầm bắn của tên lửa, nghiên cứu lớp vỏ chống nhiệt và làm cho tên lửa có thể chống được trọng lực tốt hơn.
Trong khi đó, mỗi vụ phóng thử cũng mang yếu tố chính trị cả ở trong nước và quốc tế.
Trong nước, đó là cách để lãnh đạo nước này chứng tỏ mình là một người mạnh mẽ, luôn làm đúng các cam kết. Với cộng đồng quốc tế, chúng đóng vai trò như những thông điệp đầy khiêu khích đối với các nước thù địch, nhắc nhở các nước này về khả năng quân sự của Triều Tiên. Và Bình Nhưỡng thường chọn những thời điểm nhạy cảm để thu hút được sự quan tâm của dư luận, giúp hành động được lên trang nhất các tờ báo quốc tế.
“Họ làm nhiều việc vì lý do chính trị cũng như quân sự” - ông Schuster nhận định - “vụ thử vừa qua thậm chí còn mang yếu tố chính trị rõ rệt hơn khi là vụ thử đầu tiên sau khi Tổng thống Trump nhậm chức, và chỉ 10 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết bảo vệ đồng minh Nhật, Hàn khỏi mối đe dọa hạt nhân”.
Và kết quả là, vụ thử trên đã thực sự khiến giới chức quốc phòng Mỹ đứng ngồi không yên vì lo nó là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà theo đúng thiết kế có thể mang một đầu đạn hạt nhân đến lãnh thổ Mỹ.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc hồi tháng trước cũng từng nói rằng Triều Tiên có thể thử nghiệm 2 ICBM trong thời gian tới. Dù lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho hay đất nước ông đang trong “giai đoạn cuối” để đem ICBM ra thử nghiệm, nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng nước này còn phải mất thêm nhiều thời gian nữa, ít nhất là khoảng 5 năm.