Trung Quốc muốn tăng 400% số lính thủy quân lục chiến

(Ngày Nay) - Quân đội Trung Quốc đang có kế hoạch tăng quân số thủy quân lục chiến lên 100.000 người nhằm mở rộng hoạt động ở các căn cứ nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh cải tiến công nghệ.
Xe thiết giáp của thủy quân lục chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Navy.81
Xe thiết giáp của thủy quân lục chiến Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Navy.81

SCMP ngày 13/3, dẫn nguồn tin trong quân đội Trung Quốc, cho biết quân số thủy quân lục chiến Trung Quốc sẽ được tăng lên đến 100.000 người nhằm tăng cường khả năng bảo vệ lợi ích hàng hải của nước này, cũng như mở rộng tầm ảnh hưởng ở nước ngoài.

Quân số tăng cường sẽ triển khai đến căn cứ Trung Quốc ở Djibouti trong khu vực Rừng châu Phi và căn cứ Gwadar ở tây nam Pakistan. Mở rộng quy mô thủy quân lục chiến là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm tái cơ cấu quân đội có quân số lớn nhất thế giới.

Quân đội Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình từ tập trung ở lực lượng mặt đất sang các đơn vị chuyên môn cao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phê duyệt kế hoạch giảm 300.000 quân, tập trung chủ yếu vào lục quân.

100.000 người và 6 lữ đoàn

Một quan chức quân đội giấu tên nói với SCMP rằng 2 lữ đoàn đặc nhiệm lục quân đã được chuyển sang thủy quân lục chiến, nhiều đơn vị lục quân khác sẽ được chuyển đổi. “Thủy quân lục chiến Trung Quốc sẽ có quân số tăng lên đến 100.000 người, gồm 6 lữ đoàn để thực hiện nhiệm vụ mới của đất nước chúng tôi”, nguồn tin nói.

Ngoài ra, quân số Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng thêm 15%. Quân số hiện tại của hải quân khoảng 235.000 người. Liu Xiaojiang, cựu chính trị viên Hải quân Trung Quốc cho biết các lực lượng hàng hải đang đóng vai trò trung tâm trong quân đội nước này.

“Trung Quốc là một quốc gia biển, chúng tôi cần phải bảo vệ quyền lợi và phát triển hàng hải, do đó vai trò của hải quân ngày càng trở nên quan trọng hơn”, ông Liu nói với các phóng viên bên lề cuộc họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh.

Trước đây, thủy quân lục chiến Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở các vùng biển ven bờ, vai trò của lực lượng này cũng bị giới hạn bởi trang thiết bị thiếu thốn, chuyên gia hàng hải Li Jie cho biết. Do đó, quy mô thủy quân lục chiến lớn hơn có thể triển khai nhiệm vụ ở các khu vực xa bờ.

Nhiệm vụ ban đầu của thủy quân lục chiến là đảm bảo chiến thắng trong một cuộc xung đột nếu có với Đài Loan, phòng thủ hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông. “Tuy nhiên, kích thước hiện tại của thủy quân lục chiến và trang thiết bị của đơn vị rất hạn chế, không đủ để đối phó với những thách thức sắp tới”, chuyên gia Li nói.

Trung Quốc đã xây dựng căn cứ tại Djibouti nhằm cung cấp hậu cần, tiếp tế, đảm bảo an ninh cho các hoạt động chống cướp biển ở khu vực vịnh Aden và Rừng châu Phi. Trung Quốc không tiết lộ quân số đồn trú tại căn cứ này, một số nguồn tin dự đoán khoảng 10.000 người.

Antony Wong Dong, quan sát viên quân sự tại Macau nhận định, mở rộng quy mô thủy quân lục chiến có thể giúp tăng cường và duy trì an ninh cho “con đường tơ lụa” trên biển của Trung Quốc, trải dài từ Đông Nam Á đến nam Thái Bình Dương và mở rộng qua Ấn Độ Dương.

Đẩy mạnh cải tiến công nghệ

Tại Kỳ họp thường niên lần thứ 5 Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc), Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết quân đội Bắc Kinh cần đẩy mạnh cải tiến công nghệ, coi đây là "chìa khóa" để nâng cấp và hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này. 

"Cần phải nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ về khoa học và công nghệ cho Quân đội Giải phóng Nhân dân", Tân Hoa Xã ngày 12/3 dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói với các đại biểu quân đội.

Trung Quốc muốn tăng 400% số lính thủy quân lục chiến ảnh 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

"Chúng ta phải có nhận thức rõ ràng hơn về tính cấp bách của việc đẩy mạnh cải tiến khoa học công nghệ, với sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa", ông Tập nói, đồng thời kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa quân đội và dân thường trong hoạt động huấn luyện quân sự chất lượng cao.

Chủ tịch Tập Cận Bình đang giám sát việc hiện đại hóa sâu rộng quân đội Trung Quốc trong đó có máy bay tàng hình, tên lửa chống vệ tinh và tàu ngầm cao cấp, nhằm tăng cường năng lực quân sự trên biển. 

Mặc dù vậy, cuộc cải cách của quân đội nước này gây tranh cãi với việc Chủ tịch Tập năm 2015 từng tuyên bố cắt giảm 300.000 quân. 

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm nay sẽ vào khoảng 207 tỷ USD, chỉ tăng thêm khoảng 7% so với năm 2016 và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2010.

Theo các chuyên gia, Bắc Kinh tăng ngân sách quốc phòng như vậy nhằm giải quyết nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước như cải cách quân đội, bao gồm bảo đảm kinh phí cắt giảm 300.000 quân và nâng cao mức sống cho quân nhân, đẩy mạnh đầu tư hiện đại hóa vũ khí trang bị, tăng cường huấn luyện, diễn tập cho quân đội...

Theo Zing
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.