Báo cáo chỉ ra rằng các quốc gia có luật pháp và chính sách tiến bộ, hệ thống y tế mạnh mẽ và hòa nhập đã đạt được những kết quả tốt nhất trong việc chống lại HIV. Tại các quốc gia đó, những người sống chung và bị ảnh hưởng bởi HIV có nhiều khả năng được tiếp cận với các dịch vụ HIV hiệu quả, bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (thuốc ngăn ngừa HIV), giảm tác hại, dịch vụ điều trị HIV chất lượng, và quan tâm từ phía cộng đồng.
Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành UNAIDS cho biết: “Các quốc gia có thành tích tốt đã mở đường và tạo ra những tấm gương sáng. Sự tài trợ đầy đủ, sự tham gia của cộng đồng, các phương pháp tiếp cận dựa trên nhân quyền và đa ngành, cũng như việc sử dụng bằng chứng khoa học để hướng dẫn các chiến lược tập trung, đã giúp đẩy lùi dịch bệnh và cứu sống các bệnh nhân. Những yếu tố này là vô giá trong công tác chuẩn bị và ứng phó với đại dịch HIV, COVID-19 và nhiều bệnh dịch khác.”
Báo cáo toàn cầu của UNAIDS cho biết số người được điều trị HIV đã tăng hơn gấp ba lần kể từ năm 2010. Năm 2020, 27,4 triệu trong số 37,6 triệu người nhiễm HIV được điều trị, tăng so với con số 7,8 triệu năm 2010. Việc triển khai các dịch vụ có giá cả phải chăng, điều trị chất lượng ước tính đã ngăn chặn được 16,2 triệu ca tử vong kể từ năm 2001.
Các trường hợp tử vong đã giảm, phần lớn do việc triển khai liệu pháp kháng vi-rút. Các ca tử vong liên quan đến AIDS giảm 43% kể từ năm 2010, xuống còn 690.000 vào năm 2020. Các ca nhiễm HIV mới giảm 30% kể từ năm 2010, với 1,5 triệu người mới nhiễm bệnh vào năm 2020, so với 2,1 triệu vào năm 2010.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các quốc gia có bộ luật trừng phạt và không áp dụng cách tiếp cận dựa trên nhân quyền, tồn tại sự phớt lờ, kỳ thị và bỏ mặc các bệnh HIV, sở hữu đến 62% số ca nhiễm HIV mới trên toàn thế giới. Nhiều bệnh nhân ở các quốc gia này bị xem là tồn tại bên lề và ngoài tầm với của các dịch vụ HIV. Gần 70 quốc gia trên toàn thế giới hình sự hóa các mối quan hệ tình dục đồng giới, người đồng tính, người chuyển giới, mại dâm, tù nhân và các đối tượng sử dụng ma túy không được tiếp cận hoặc tiếp cận ít với các dịch vụ y tế hoặc xã hội. Điều này góp phần khiến HIV lây lan nhanh ở cộng đồng những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.
Phụ nữ trẻ ở châu Phi cận Sahara cũng là nhóm đối tượng vẫn tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Sáu trong số bảy trường hợp nhiễm HIV mới ở thanh thiếu niên từ 15–19 tuổi trong khu vực này là ở trẻ em gái. Các bệnh liên quan đến AIDS vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ từ 15–49 tuổi ở châu Phi cận Sahara.
COVID-19 đã cho thấy sự mong manh của những thành tựu về sức khỏe và phát triển đạt được trong những thập kỷ qua, và làm lộ rõ những bất bình đẳng tồn đọng. Để đưa thế giới đi tới điểm kết thúc của AIDS vào năm 2030, UNAIDS đã sử dụng lăng kính bất bình đẳng để phát triển một chiến lược đầy tham vọng và có thể đạt được với các mục tiêu mới phải đạt được vào năm 2025. Chấm dứt bất bình đẳng đòi hỏi các phản ứng với HIV có thể tiếp cận được những nhóm dân số hiện đang bị bỏ lại phía sau.
Nếu đạt được, bộ mục tiêu mới sẽ đưa các dịch vụ HIV đến gần với 95% số người cần, giảm số ca nhiễm HIV hàng năm xuống dưới 370.000 người và số ca tử vong do AIDS xuống dưới 250.000 người vào năm 2025. Điều này sẽ đòi hỏi nguồn đầu tư trị giá 29 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đến năm 2025.
UNAIDS kêu gọi Đại hội đồng LHQ cam kết thực hiện các mục tiêu trong tuyên bố chính trị mới về HIV tại Cuộc họp cấp cao lần thứ V của Đại hội đồng LHQ về AIDS, diễn ra từ 8 - 10/6/2021.
Bà Byanyima chia sẻ: “Tôi đặc biệt kêu gọi Đại hội đồng Liên hợp quốc nắm bắt thời điểm và cam kết thực hiện các hành động cần thiết để chấm dứt bệnh AIDS”.
Chương trình Phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) dẫn dắt và truyền cảm hứng cho thế giới đạt được tầm nhìn chung về việc không xuất hiện ca nhiễm HIV mới, không phân biệt đối xử và không có ca tử vong do AIDS. UNAIDS hợp nhất các nỗ lực của 11 tổ chức Liên hợp quốc — UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, UN Women, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng Thế giới, cũng như hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc gia và toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 như một phần của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.