Báo cáo mới nhất của UNICEF cho biết gần như mọi trẻ em trên thế giới đều có nguy cơ chịu tác động của ít nhất một trong những thảm họa môi trường, bao gồm nắng nóng, lũ lụt, mưa bão, dịch bệnh, hạn hán và ô nhiễm không khí.
Đáng chú ý, hơn 1 tỷ trẻ em sống tại 33 quốc gia phải đối mặt tới 3-4 tác động cùng một lúc. Các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Philippines, và phần lớn châu Phi cận Sahara.
Báo cáo cho thấy 920 triệu trẻ em đang tiếp xúc nhiều với tình trạng khan hiếm nước, 820 triệu trẻ em sống trong cảnh nắng nóng khắc nghiệt và 600 triệu trẻ em mắc các bệnh truyền nhiễm sốt rét và sốt xuất huyết, thực trạng có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi biến đổi khí hậu trở nên thích hợp cho muỗi và mầm bệnh lây lan.
Bà Henrietta Fore - giám đốc điều hành UNICEF, cho biết: “Báo cáo này đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về vị trí và cách thức trẻ em dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, và bức tranh đó gần như thảm khốc ngoài sức tưởng tượng. Hầu như cuộc sống của mọi đứa trẻ đều sẽ bị ảnh hưởng. "
“Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các hiểm họa khí hậu", bà Fore nói. “So với người lớn, trẻ em cần nhiều thức ăn và nước hơn trên một đơn vị trọng lượng cơ thể và ít có khả năng sống sót qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn”.
Báo cáo của UNICEF kêu gọi sự tham gia của những người trẻ tuổi trong tất cả các cuộc đàm phán và thảo luận về khí hậu, bao gồm cả tại hội nghị thượng đỉnh Cop26 của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào tháng 11.
“Các quyết định sẽ xác định tương lai của chúng. Trẻ em và những người trẻ tuổi cần được công nhận là những người thừa kế hợp pháp của hành tinh này mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ", bà Fore chỉ ra.