Vai trò của Olympic trong quan hệ Hàn-Triều

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vào ngày 27/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thống nhất cải thiện quan hệ hai miền. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi qua thư kể từ hồi tháng 4, khi Triều Tiên tuyên bố sẽ không tham gia Olympic Tokyo 2020 do lo ngại về đại dịch COVID-19.
Vai trò của Olympic trong quan hệ Hàn-Triều

Chính quyền Bình Nhưỡng đã chủ động nối lại các cuộc đối thoại với Seoul trong thời gian diễn ra Thế vận hội Tokyo 2020, nhằm tìm cách xử lý những khó khăn nghiêm trọng trong nước.

Những diễn biến tương tự đã từng xảy ra trong thời gian Hàn Quốc đăng cai tổ chức kỳ Olympic Pyeongchang 2018. Vào thời điểm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cử em gái của mình, bà Kim Yo-jong, và các quan chức khác đến Hàn Quốc.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đang ở trong thế bao vây cấm vận, sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt do Mỹ khởi xướng nhằm vào nước này do các vụ thử hạt nhân trước đó.

Sau kỳ Thế vận hội năm 2018, Triều Tiên đã có liên tiếp hai hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vào tháng 4 và với Mỹ vào tháng 6.

Vai trò của Olympic trong quan hệ Hàn-Triều ảnh 1

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chào nhau qua ranh giới hai nước tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm tới Mỹ hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là đã nhắn nhủ một số thông điệp của lãnh đạo Triều Tiên tới người đồng cấp Joe Biden.

Trong lịch sử, các kỳ Olympic luôn bị coi như một công cụ phục vụ cho các hoạt động chính trị và ngoại giao.

Trong cuốn sách Vấn đề chính trị tại các kỳ Olympic, tác giả Ikei Masaru cho rằng: "Các kỳ thế vận hội diễn ra đều ẩn chứa sau đó những yếu tố liên quan đến chính trị quốc tế, bao gồm: chủ nghĩa dân tộc, các vấn đề chủng tộc, các quốc gia bị chia rẽ, chủ nghĩa khủng bố và là một mặt trận ganh đua nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc gia".

Bán đảo Triều Tiên đã từng trải qua rất nhiều những biến động trong suốt tiến trình lịch sử, bắt nguồn từ sự chia cắt giữa hai miền Nam–Bắc.

Vào năm 1964, Triều Tiên đã tẩy chay kỳ Olympic diễn ra tại Nhật Bản, ngay trước thời điểm sự kiện chuẩn bị được khai mạc.

Trước đó, Liên đoàn điền kinh nghiệp dư quốc tế (nay là Liên đoàn điền kinh thế giới - WA) đã loại các vận động viên chủ chốt của Triều Tiên khỏi Olympic Tokyo 1964, bao gồm cả nữ vận động viên số 1 của nước này, Shin Geum Dan.

Lý do được đưa ra là vì họ đã tham dự Đại hội thể thao châu Á năm 1962 tại Indonesia – quốc gia đã vi phạm Hiến chương Olympic, quy định cấm phân biệt đối xử giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ dưới bất kỳ hình thức nào, khi không mời Đài Loan và Israel tham dự.

Và để phản đối quyết định từ phía WA, Triều Tiên đã tuyên bố không tham dự Olympic 1964, dù các vận động viên của họ đã có mặt ở Tokyo.

Trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 1988, Nagoya của Nhật Bản và Seoul của Hàn Quốc đã cạnh tranh vô cùng quyết liệt. Trước khi kết quả của cuộc bỏ phiếu được công bố vào tháng 9 năm 1981 tại phiên họp của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) ở Đức, Nhật Bản vẫn luôn tin tưởng rằng nước này đã nắm chắc phần thắng.

Phía Tokyo cho rằng do lịch sử phức tạp tại Bán đảo Triều Tiên, một số nước như Liên Xô và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không công nhận tính chính danh của Hàn Quốc, và sẽ không cử vận ​​động viên tham dự.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã biến hình tượng một vùng đất bị chia cắt trở thành lợi thế cho mình, khẳng định trước IOC rằng ngọn lửa Olympic – biểu tượng của hòa bình, nên được thắp sáng trên đất nước của họ. Ngoài ra, để thuyết phục các thành viên của IOC, Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vào một thực tế rằng Nhật Bản chính là quốc gia từng cai trị Bán đảo Triều Tiên.

Và kết quả là Seoul đã thắng với tỷ lệ ủng hộ vượt trội.

Vai trò của Olympic trong quan hệ Hàn-Triều ảnh 2

Đoàn đại biểu Hàn Quốc ăn mừng khi biết tin Seoul là thành phố chủ nhà Thế vận hội 1988. Ảnh: Kyodo

Trang nhất của tờ Nikkei vào ngày 1/10/1981 đã mô tả bối cảnh tại phiên họp công bố nước chủ nhà Olympic 1988: "Thời điểm Chủ tịch IOC Juan Antonio Samaranch thông báo rằng Olympic sẽ được tổ chức tại Seoul, tất cả các thành viên của đoàn đại diện Nagoya không tin vào những gì đang xảy ra. Trong khi phía Nhật Bản đang cảm thấy vô cùng thất vọng, thì các đại diện của Hàn Quốc lại vỡ oà trong niềm vui sướng khi giành quyền đăng cai tổ chức với tư cách nước chủ nhà với chiến thắng cách biệt".

Một năm trước khi Olympic 1988 được tổ chức, Triều Tiên đã cho nổ một chuyến bay chở khách của hãng hàng không Korean Air, nhằm khiến cho các quốc gia khác phải lo sợ về tính an toàn của Thế vận hội trên đất Hàn Quốc.

Trong kỳ Olympic Tokyo 2020, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Moon Jae-in, đã trở thành trọng tâm lớn nhất của chính sách ngoại giao trong kỳ Thế vận hội năm nay.

Tuy nhiên, cuộc gặp đã không thể thu hẹp khoảng cách và giúp cải thiện mối quan hệ giữa hai quốc gia. Đến nay, nhiều người dân ở cả hai miền Nam-Bắc Triều Tiên đều vẫn quan niệm rằng chế độ thực dân của Nhật Bản chính là nguyên nhân sâu xa khiến cho Bán đảo Triều Tiên phải chịu sự chia cắt.

Kỳ Olympic Bắc Kinh 2022 được dự báo cũng sẽ khó có thể tránh được những yếu tố chính trị. Về vấn đề Bán đảo Triều Tiên, một số ý kiến cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ đứng ra làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Kim và Tổng thống Moon. Chính quyền Bắc Kinh trước đó luôn coi vấn đề hòa giải giữa hai miền Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu.

Thế vận hội Tokyo 2020 diễn ra ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc, để quyết định người kế nhiệm ông Moon Jae–in. Nhiều nhà quan sát cho rằng khả năng sẽ có một hội nghị thưởng đỉnh hai miền trước thời điểm đó, bởi Triều Tiên không muốn chứng kiến ​​sự trở lại của một chính quyền bảo thủ ở Hàn Quốc.

Vai trò của Olympic trong quan hệ Hàn-Triều ảnh 3

Lần hiếm hoi các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đứng dưới lá cờ chung của hai miền tại Olympic Pyeongchang 2018. Ảnh: Korea.net

Gần đây, Triều Tiên đã chủ động kết nối, khôi phục các đường dây liên lạc với Hàn Quốc sau hơn một năm "đóng băng", dù biết rằng một năm còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống Moon, tình hình sẽ không được cải thiện quá nhiều.

Nhưng với chính quyền Tổng thống Moon, việc các đường dây nóng liên hệ giữa hai miền được nối lại sẽ giúp nâng cao uy tín và lợi thế cho các ứng viên Tổng thống theo đường lối tự do.

Tuy nhiên, tình hình chính trị quốc tế đã thay đổi rất nhiều so với thời điểm diễn ra Olympic Pyeongchang 2018. Dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh vấn đề Triều Tiên cần phải được giải quyết nhờ vào nỗ lực hợp tác quốc tế, nhưng dường như Washington cũng không nóng vội trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, ông Moon sẽ rời ghế Tổng thống Hàn Quốc sau 10 tháng nữa, điều này có lẽ đã khiến cho Triều Tiên cảm thấy nôn nóng và buộc phải hành động.

Theo Nikkei Asia
Chiến thắng 2-0 ngay trên sân đối phương "mở toang" cánh cửa vào chung kết AFF Cup với Đội tuyển Việt Nam. Ảnh: VFF.
AFF Cup 2024: Việt Nam giành lợi thế trước Singapore
(Ngày Nay) - Hai pha lập công liên tiếp ở những phút bù giờ của bộ đôi tiền đạo Tiến Linh và Xuân Son đã giúp Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-0 trước Singapore ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2024.
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
Mẹ đẻ là "vũ khí bí mật" của tỷ phú Musk
(Ngày Nay) - Bà Maye Musk, mẹ của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, là gương mặt tiêu biểu của xu hướng “những người ảnh hưởng bạc” (silver influencer) với thành công trong vượt qua nghịch cảnh và tạo đồng cảm mạnh mẽ tại Trung Quốc. Liệu bà có thể là vũ khí bí mật của tỷ phú Elon Musk tại quốc gia tỷ dân?