Hoạt động hiệu quả hơn tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Khác với tàu ngầm của Hải quân Mỹ vốn chỉ sử dụng tàu ngầm năng lượng hạt nhân, Nga vẫn duy trì đội tàu ngầm hạt nhân và chạy bằng diesel-điện. Theo đánh giá của các chuyên gia, tàu ngầm diesel-điện của Nga hoạt động hiệu quả hơn hẳn của Mỹ.
Trong khi tàu ngầm hạt nhân Ngan chủ yếu sử dụng trong các hoạt động tuần tra đại dương, đội tàu ngầm diesel-điện lại phù hợp cho các nhiệm vụ tác chiến ở châu Âu, Trung Đông và các khu vực gần Nga.
Lực lượng chính của hạm đội tàu ngầm thông thường của Nga chính là Đề án tàu ngầm 877 mà NATO và phương tây thường gọi là Kilo. Hải quân Mỹ thậm chí còn gọi loại tàu ngầm này là “hố đen đại dương” bởi khả năng hoạt động vô cùng yên tĩnh.
Lớp tàu ngầm này được xây dựng và cải tiến liên tục trong suốt 30 năm, minh chứng cho hiệu quả hoạt động của nó trên biển.
Tàu ngầm Kilo ban đầu được chế tạo để phục vụ hải quân các nước thuộc Khối Warszawa, thay thế cho các tàu ngầm lớp Whiskey và Foxtrot.
Tàu ngầm Kilo dài 75 mét, rộng 9,7 mét và có lượng giãn nước 3.076 tấn. Tàu chở theo 12 sỹ quan và 41 thủy thủ, hoạt động liên tục trong 45 ngày mới cần nhận tiếp tế.
Điểm mạnh và yếu
Tàu được trang bị hai động cơ diesel-điện, giúp nó có thể đạt vận tốc 18 km/giờ khi nổi và 32 km/giờ khi lặn. Với vận tốc này, có thể nói tốc độ không phải là thế mạnh của Kilo.
Với tầm hoạt động từ 11.000-13.800km, tàu ngầm Kilo thuộc Hạm đội Biển Bắc của Nga có thể tuần tra trong khu vực rộng 2.000km trước khi khởi hành đến Cuba.
Ngoài ra, Kilo cũng không thể lặn được sâu. Tàu có thể lặn sâu 240 mét, tối đa 300 mét. Tàu ngầm Kilo vận hành tốt nhất ở vùng nước nông.
Thế mạnh của tàu ngầm Kilo chính là khả năng chạy rất êm. Thân tàu được thiết kế với hình dạng giọt nước và giảm tối đa ma sát so với các tàu ngầm từ thời Thế chiến 2.
Động cơ diesel-điện được cô lập trong khu vực gia cố bằng cao su, hạn chế tối đa khả năng thân tàu bị rung lắc, tạo thành tiếng ồn. Con tàu cũng được phủ một lớp cao su chống gỉ sét, làm giảm tối đa tiếng ồn phát ra.
Hệ thống phục hồi khí giúp cung cấp oxy cho thủy thủ đoàn trong 260 giờ, giúp tàu ngầm lặn liên tục trong gần hai tuần.
Tàu ngầm Kilo được trang bị hệ thống radar tần thấp MGK-400 Rubikon (Shark Gill) và radar thụ động. Tàu cũng có một radar tần số cao MG519 Mouse Roar để phân loại mục tiêu, né tránh bom mìn. Trong các nhiệm vụ điều hướng đơn giản, tàu ngầm Kilo sử dụng radar MRK-50 Albatros.
Cuối cùng, tàu ngầm Kilo sở hữu 6 ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn cỡ 533mm. Tàu có thể mang theo các ngư lôi tầm nhiệt và 18 quả tên lửa chống hạm SS-N-15A Starfish.
Tàu ngầm Kilo mới nhất của hải quân Nga còn có hai ống phóng, chuyên khai hỏa ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn. Ngoài ra, điểm đặc biệt của lớp tàu ngầm này là có vị trí riêng cho các thủy thủ sử dụng tên lửa phòng không vác vai Igla.
Nga hiện sở hữu 11 tàu ngầm Kilo trong 24 chiếc từ thời Liên Xô. Một chiếc được bán cho Ba Lan và vẫn đang được sử dụng, một chiếc được bán cho Romania. 10 chiếc được bạn cho hải quân Ấn Độ. Iran sở hữu 3 chiếc, Algeria có 2 chiếc và Trung Quốc có 2 chiếc, mua sau Chiến tranh Lạnh.
Bản nâng cấp
Phiên bản nâng cấp của tàu ngầm Kilo, hay được gọi là Đề án 636.3, đang trở thành xương sống trong biên chế hải quân Nga và được đối tác nước ngoài tin dùng.
Đề án 636.3 là bản nâng cấp toàn diện. Tàu vẫn giữ nguyên kích thước nhưng tăng cường khả năng tàng hình, là hoạt động yên tĩnh hơn.Con tàu được gia tăng 25% phạm vi hoạt động nhưng hệ thống sonar, radar vẫn giữ nguyên.
Điểm nâng cấp đáng chú ý nhất là khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm Kilo. Đây là loại tên lửa đa dụng nhất của Nga, bao gồm các phiên bản chống ngầm, chống hạm và tấn công nhằm vào các mục tiêu trên đất liền.
Tháng 12/2015, tàu ngầm Rostov-on-Don lớp Kilo đã phóng tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Theo National Interest, các tàu ngầm lớp Kilo đã chứng minh tính hiệu quả của một trong những dự án đóng tàu thành công nhất thế giới. Con tàu nhanh chóng được giới quân sự NATO đánh giá cao.