Ngày 06/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 4/7, Bộ Ngoại giao đã bày tỏ rõ sự quan ngại sâu sắc với hành động này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hết sức quan ngại trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hỏa Tinh 14 ngày 4/7, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng |
Trước đó, ngày 4/7, Triều Tiên cho biết đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay còn được gọi tắt là ICBM. Theo nhận định của giới chuyên, tên lửa này sẽ có khả năng chạm tới lãnh thổ của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vụ phóng tên lửa đã được thực hiện theo lệnh cũng như chịu sự giám sát bởi nhà lãnh đạo Kim Jong Un. "Việc phóng thử nghiệm được thực hiện ở góc độ an toàn nhất và không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào tới các nước láng giềng".
Các quan chức của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cho biết tên lửa này đã hạ cánh tại khu đặc quyền kinh tế của Nhật Bản (EEZ) sau khi được phóng từ một sân bay ở Panghyon, khoảng 100 km (60 dặm) về phía tây bắc của Bình Nhưỡng.
Hình ảnh từ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 4/7 |
Trước hành động của Triều Tiên, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã diễn ra vào ngày 5/7, một ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên. Cuộc họp được yêu cầu bởi Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ - Hàn đã bắn ra tên lửa đạn đạo tầm ngắn trong các cuộc tập trận chung để phản ứng lại việc Triều Tiên phóng tên lửa.
Trước những lời đe dọa quân sự gay gắt từ phía Mỹ, Nga và Trung Quốc lên tiếng phản đối cách giải quyết của Hoa Kỳ cũng như bác bỏ phán quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Nga và Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc ngừng và hủy bỏ việc triển khai THAAD, một hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm bảo vệ Hàn Quốc khỏi những cuộc tấn công của Triều Tiên.
Vấn đề của Triều Tiên hiện vẫn luôn là một vấn đề quan trọng trong an ninh thế giới và khu vực.