Ravi, 26 tuổi, đã phải tự thay tã cho mẹ mình khi bà nằm hấp hối trong Bệnh viện Đa khoa Lokmanya Tilak với quy mô 1.300 giường bệnh.
"Họ chỉ cho chúng tôi thuốc chứ không nói gì thêm", Ravi chia sẻ. "Nhân viên y tế đã làm việc quá sức và mệt mỏi, đôi khi có tới 3 bệnh nhân nằm chung giường".
Hiện tại Ravi cũng đã được chẩn đoán mắc COVID-19 và liên tục bị 4 bệnh viện từ chối tiếp nhận trước khi được cho vào nằm ở một bệnh viện khác. "Hệ thống y tế của thành phố đã không sẵn sàng cho viễn cảnh này", Ravi nói.
Bệnh viện Lokmanya Tilak do nhà nước quản lý đã trở thành một lời giải thích cho sự thất bại tuyệt đối của hệ thống y tế của thành phố Mumbai - nơi sinh sống của các tỷ phú, kinh đô điện ảnh Bollywood và các khu ổ chuột nổi tiếng.
Một video được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội và được chiếu tên kênh truyền hình India TV cho thấy nhiều xác chết được bọc trong túi nhựa đen nằm trên giường bệnh, xung quanh là các bệnh nhân khác vẫn đang được điều trị.
Hình ảnh một thi thể được bọc kín nằm trên giường bệnh tại bệnh viện Lokmanya Tilak. |
Theo lý giải của các bác sĩ, nhà xác bệnh viện đã trở nên quá tải, cùng với việc nhiều thân nhân không dám nhận lại xác hoặc chưa thể làm thủ tục do lệnh cách ly khiến các thi thể bị bỏ mặc trong bệnh viện.
Làn sóng bệnh nhân
Ngoài các thi thể, việc đối phó với làn sóng bệnh nhân đổ dồn tới bệnh viện Lokmanya Tilak khiến các bác sĩ và nhân viên y tế tại đây trở nên kiệt sức.
"Chúng tôi không có đủ giường cho quá nhiều trường hợp như vậy. Khu vực cấp cứu luôn quá tải chỉ trong vài giờ", Aditya Burje, một bác sĩ tập sự làm ca đêm tại bệnh viện Lokmanya Tilak, chia sẻ.
Sự gần gũi của Lokmanya Tilak với khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ - Dharavi, khiến bệnh viện này trở thành một chiến trường trọng điểm trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 của đất nước này.
"Vào tháng 3, chỉ có 1 hoặc 2 trường hợp tới đây mỗi ngày. Tất cả dường như đã được kiểm soát. Sau đó, tình hình đã thay đổi chóng mặt", bác sĩ 25 tuổi nói. "Đến cuối tháng 4, tôi và các đồng nghiệp đã bị choáng khi thấy cảnh 50-100 bệnh nhân mỗi ngày. 80% trong số đó dương tính và nhiều người phải thở oxy gấp".
Đã có tổng cộng 86.508 trường hợp mắc COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: Reuters |
Giống như nhiều bác sĩ tại các bệnh viện công, Burje đã không được trả lương kể từ khi Ấn Độ phong tỏa đất nước vào tháng 3 và phải làm việc liên tục mà không có ngày nghỉ suốt 2 tháng.
Với gần 1/3 các sinh viên của trường y tại bệnh viện được chẩn đoán mắc COVID-19, anh thừa nhận mình rất sợ phải đi làm.
"Nếu có chuyện gì xảy ra, ai sẽ chăm sóc tôi?", Burje đặt câu hỏi.
Vấn đề của cả hệ thống
Trường hợp của bệnh viện Lokmanya Tilak không phải là duy nhất tại Mumbai. Và tất cả mọi nhân lực ngành y - từ sinh viên y khoa đến bác sĩ với nhiều năm kinh nghiệm, đều đang gặp khó khăn.
Chuyên gia Deepak Baid, người điều hành một bệnh viện tư ở phía bắc Mumbai, đã tình nguyện giúp đỡ một cơ sở y tế công khác - bệnh viện Rajawadi.
"Mặc dù cơ sở này chỉ được trang bị để xử lý những bệnh nhân có triệu chứng vừa phải, nhưng các bác sĩ thường xuyên điều trị cho những người bị bệnh nghiêm trọng", Baid nói.
Ngay cả các bác sĩ lâm sàng chuyên về các lĩnh vực như da liễu hoặc chỉnh hình cũng phải tham gia hỗ trợ các đồng nghiệp khác.
"Chúng tôi không thể gửi bệnh nhân đến các bệnh viện được trang bị tốt hơn vì họ không có đủ giường", vị bác sĩ chia sẻ. "Cả hệ thống đang chịu nhiều áp lực và chỉ chực chờ phát nổ".
Hoàn toàn bị lãng quên
Mumbai có 4.500 giường cho bệnh nhân COVID-19, theo Daksha Shah, một quan chức y tế cao cấp của thành phố.
"Chúng tôi đang mở rộng công suất", bà Shah đề cập tới việc xây dựng một bệnh viện dã chiến với quy mô 1.000 giường trong một trung tâm thương mại.
Chính quyền thành phố cũng đang thiết lập các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong các trường học.
Thành phố Mumbai cho đến nay đã ghi nhận khoảng 18.000 trường hợp dương tính, thủ phủ tài chính của Ấn Độ đang dần trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.
Ước tính chính phủ Ấn Độ dành chưa tới 2% GDP cho y tế.
Tính đến năm 2017, Ấn Độ có 0,8 bác sĩ trên 1.000 người, ngang bằng với Iraq, theo Ngân hàng Thế giới. Trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc là 1,8 còn Mỹ là 2,6.
"Nhiều vấn đề yếu kém tưởng như chỉ có trong thời gian qua thực chất đã diễn ra trong một thời gian dài", bác sĩ Nilima Vaidya-Bhamare cho biết. "Từ việc thiếu thốn vật tư y tế, cho tới thiếu thốn nhân lự. Các bệnh viện công đã bị lãng quên hoàn toàn. Tại sao phải có một đại dịch mới khiến mọi người nhận ra điều này?".