Chính phủ Áo đã đăng tải bản đồ liệt kê chi tiết tên và vị trí của hơn 600 nhà thờ Hồi giáo, hiệp hội, các quan chức và mạng lưới các tổ chức nước ngoài có liên quan - do Đại học Vienna phối hợp với Trung tâm Tài liệu về chính trị Hồi giáo soạn thảo.
Sáng kiến này đã vấp phải rất nhiều chỉ trích của cộng đồng Hồi giáo ở Áo và của Đảng Greens, thành viên trong liên minh Đảng OeVP trung hữu cầm quyền.
Bộ trưởng Hội nhập Susanne Raab khẳng định rằng bản đồ này không nhằm cổ xúy việc đặt những người Hồi giáo nói chung dưới sự phân biệt, nghi ngờ hay bêu xấu họ "như một mối nguy hiểm tiềm tàng". Theo bà, mục đích của việc lập bản đồ là để "chống lại các ý thức hệ liên quan đến chính trị chứ không phải tôn giáo".
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là một việc "không thể chấp nhận". Ankara cũng kêu gọi Vienna không "lập danh sách người Hồi giáo". Kể từ khi một vụ tấn công cực đoan khiến 4 người chết ở Vienna vào tháng 11/2020 - vụ đầu tiên được thực hiện ở Áo, đã có báo cáo về nhiều vụ tấn công bằng lời nói và thể xác nhằm vào người Hồi giáo ở nước này, sự phân biệt chủng tộc đối với người Hồi giáo được ghi nhận gia tăng.
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Áo gần đây càng trở nên căng thẳng, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phản ứng gay gắt trước việc Chính phủ Áo treo cờ Israel trên một số tòa nhà cơ quan liên bang ở Vienna, trong bối cảnh xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine.