Tham gia góp ý kiến tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 9/6, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cho rằng, trong bối cảnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhiệm vụ đề ra đạt GDP 6,7% và lạm phát 4% cần nguồn lực, quyết tâm cao mới thực hiện được.
Đề nghị Chính phủ phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan để thấy thấu đáo những hạn chế của nền kinh tế, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết rất phân vân về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017. Bà đề nghị Chính phủ cần giải thích có sức thuyết phục cao về chỉ tiêu này.
Trước băn khoăn của các đại biểu về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 "quá sức", ông Dũng trấn an, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nguồn lực cho đầu tư phát triển, chi tiêu ngân sách...
Xét về khía cạnh hội nhập, nếu không phát triển nhanh hơn, Việt Nam sẽ tụt hậu so với quốc gia trong khu vực. "Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó, thách thức nhưng nếu có giải pháp đúng, đồng bộ và triển khai tích cực thì có thể đạt được", Bộ trưởng Dũng lạc quan.
Báo cáo của Chính phủ nêu tình hình khá lạc quan về sự phát triển của doanh nghiệp, song đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) phản ánh một số doanh nghiệp làm ăn chân chính than phiền, thường xuyên phải tiếp các đoàn thanh tra, phiền hà, sách nhiễu. Ông nhìn nhận, doanh nghiệp không thể hoạt động tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, dẫn đến việc "phải hút thêm vài triệu tấn dầu, lại phải bán tài nguyên để tăng GDP".
"Không nên tập trung khai thác dầu, tài nguyên, nguồn thu từ tiền sử dụng đất… để đạt tăng trưởng, mà hãy coi đó là của để dành cho con cháu mai sau", ông Tuấn quả quyết. Thay vào đó, tập trung phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xử lý nghiêm tổ chức nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Giải đáp lo lắng của đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ xác định việc khai thác tài nguyên sẽ không phải lời giải bền vững cho tăng trưởng.
"Việc gia tăng lượng khai thác dầu hiện tại chỉ là giải pháp tình thế mang tính ngắn hạn. Quan điểm nhất quán của Chính phủ là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi với ổn định, phát triển bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thực tế kế hoạch xây dựng từ đầu năm chỉ khai thác 12,28 triệu tấn dầu năm 2017, tuy nhiên do giá dầu có xu hướng phục hồi và có khả năng khai thác thêm, nên Chính phủ quyết định tăng khai thác lên 13,28 triệu tấn. Theo tính toán, sản lượng khai thác 2 loại nguyên liệu này sẽ đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP.