Năm Báo cáo viên Đặc biệt bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ Chính phủ Belarus bắt giữ và cáo buộc tra tấn nhà báo Roman Protasevich (Raman Pratasevich, 26 tuổi) trong một vụ việc bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Chuyến bay ngày 23/5 của nhà báo này từ Hy Lạp đi Lithuania đã bị buộc phải chuyển hướng đến thủ đô Minsk của Belarus. Phía Minsk khẳng định đã nhận được thông báo đe dọa đánh bom. Nhà báo Roman đã bị bắt khi các hành khách xuống tàu, viện dẫn lý do trước đó ông đã kích động gây rối trật tự công cộng và thù hằn xã hội sau cuộc bầu cử tổng thống tại Belarus vào tháng 8/2020.
Vai trò của Báo cáo viên Đặc biệt:
Năm Báo cáo viên Đặc biệt, những người đã đưa ra tuyên bố này giám sát các vấn đề như tình hình nhân quyền ở Belarus, cũng như quyền tự do hội họp và tự do lập hội trên toàn thế giới.
Họ được bổ nhiệm bởi Hội đồng Nhân quyền LHQ, có trụ sở tại Geneva. Những chuyên gia độc lập này không phải là nhân viên chính thức của LHQ cũng như không được Tổ chức trả lương.
Các chuyên gia LHQ lo sợ rằng nhà báo Roman có thể phải đối mặt với một bản án nghiêm khắc, thậm chí nguy hiểm tính mạng và điều này thể hiện "sự coi thường hoàn toàn đối với nhân quyền quốc tế". Các chuyên gia này đã kêu gọi các nước “tăng cường gây áp lực lên chính quyền Belarus" nhằm trả tự do ngay lập tức cho Roman Protasevich cũng như các nhà báo, nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khác bị bắt giữ tùy tiện và giam cầm tại Belarus; cũng như đảm bảo các cuộc điều tra độc lập, minh bạch và khách quan đối với tất cả các vi phạm nhân quyền được báo cáo trong bối cảnh bầu cử, bao gồm các cáo buộc tra tấn và giam giữ tùy tiện.
“Cách thức thái quá mà ông Protasevich bị bắt cho thấy Chính phủ nước này không có giới hạn nào trong việc bịt miệng những người chỉ trích. Đó là một ví dụ về một cuộc đàn áp nghiêm trọng, không có dấu hiệu ngừng lại đối với tất cả các tiếng nói độc lập kể từ khi có kết quả bầu cử gây tranh cãi vào tháng 8/2020.”
Từ sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, chính quyền đã tùy tiện bắt giữ và đánh đập các nhà báo, thành viên phe đối lập, những người bảo vệ nhân quyền và công dân tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa, truy tố họ về tội có động cơ chính trị, tước giấy phép hành nghề báo chí, truyền thông, đột kích vào nhà và văn phòng của những người này, đồng thời chặn đứng hoạt động các trang web của những trang tin tức.
Tháng 5/2021, các nhà chức trách Belarus đã có một cuộc đột kích vào văn phòng của Tut.by, trang tin tức trực tuyến độc lập lớn nhất của đất nước, nơi đã đưa tin về các cuộc biểu tình sau kết quả bầu cử. Các cuộc khám xét cũng được thực hiện tại nhà của một số nhân viên, và nhiều tài liệu các loại đã bị tịch thu. Ít nhất 13 nhân viên của hãng này đã bị bắt giữ, một số người trong số họ không được phép tiếp cận với luật sư, và bị cáo buộc liên quan đến một cuộc điều tra hình sự về tội trốn thuế.
Các chuyên gia cho biết: “Những sự kiện gần đây cho thấy tự do truyền thông ở Belarus đã đi vào một hố đen không có hồi kết”. Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những sửa đổi mới nhất của nước này đối với luật về truyền thông đại chúng và về tụ tập đông người, cho phép chính quyền ngăn chặn hoạt động của bất kỳ cơ quan truyền thông nào. Trang tut.by cũng như nhiều trang tin khác đã bị tước giấy phép truyền thông với lý do phát tán “thông tin sai lệch”, "thúc đẩy hoạt động cực đoan" và "có khả năng gây tổn hại đến lợi ích quốc gia”.