Ông Renzi, vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất châu Âu và là một nhà cải cách, đã đặt cược cả sự nghiệp chính trị của mình vào những đề xuất cải cách Hiến pháp nhằm đơn giản hóa hệ thống lập pháp và cải thiện tình trạng thay đổi chính phủ liên tục tại đất nước này. Giống như cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã từng hứa hẹn trước cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, ông Matteo Renzi cũng cam kết sẽ từ chức nếu các đề xuất sửa đổi Hiến pháp không được các cử tri thông qua.
Trong nỗ lực cải cách Hiến pháp của mình, Thủ tướng Renzi đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của những đảng phái phi chính thống như đảng cực hữu Liên đoàn Phương Bắc và phong trào dân túy Năm Sao do một nghệ sĩ hài lãnh đạo. Chiến dịch “Nói Không” do những tổ chức này khởi xướng đã thu hút được sự đồng tình của khoảng 60% cử tri Italia, đồng nghĩa với việc thủ tướng Matteo Renzi phải ngậm ngùi tuyên bố từ chức như đã hứa hẹn.
Chiến thắng của chiến dịch “Nói Không” là thành công mới nhất của phong trào dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ ở khắp châu Âu. Phong trào này đã âm ỉ diễn ra suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, len lỏi với giới chính trị cả bên cánh hữu lẫn cánh tả.
Chiến thắng mới đây của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump, một nhà dân túy điển hình, đã tiếp thêm động lực cho hàng loạt các đảng phái dân túy tại khắp các quốc gia châu Âu đứng lên tuyên chiến với trật tự chính trị đã được thiết lập hàng chục năm qua tại châu lục này.
Ngoài phong trào Năm Sao có thể kể đến:
Áo
Đảng Tự do: Chống hệ thống chính trị, chống toàn cầu hóa, chống Liên minh châu Âu, chống khu vực đồng tiền chung châu Âu, chống nhập cư và chống Hồi giáo.
Lãnh đạo đảng Tự do Norbert Hofer vừa thua sít sao trong cuộc bầu cử Tổng thống Áo diễn ra cuối tuần qua. Ông Hofer đã tranh cử với cương lĩnh hạn chế nhập cư và tăng cường bảo vệ biên giới.
Pháp
Đảng Mặt trận Dân tộc: Chống hệ thống chính trị, chống toàn cầu hóa, chống Liên minh châu Âu, chống khu vực đồng tiền chung châu Âu, chống nhập cư và chống đạo Hồi.
Đảng Mặt trận Dân tộc đã duy trì đường lối dân tộc chủ nghĩa và bảo thủ trong nền chính trị Pháp. Lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen được dự đoán sẽ vượt qua vòng đầu cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa xuân năm sau. Bà Le Pen từng gọi chiến thắng của ông Donald Trump là “tin tốt lành đối với nước Pháp”.
Hà Lan
Đảng Tự do: Chống hệ thống chính trị, chống toàn cầu hóa, chống Liên minh châu Âu, chống khu vực đồng tiền chung châu Âu, chống nhập cư và chống Hồi giáo.
Hà Lan sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng Ba năm 2017, và đảng Tự do được dự báo sẽ giành được đa số phiếu. Tuy nhiên, nhiều khả năng đảng này sẽ phải tìm kiếm các đối tác khác để có thể đủ điều kiện thành lập một chính phủ liên minh. Đảng Tự do đã đề xuất cấm các trường học Hồi giáo.
Đức
Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức: Chống hệ thống chính trị, chống đồng tiền chung châu Âu, chống nhập cư và chống đạo Hồi.
Được thành lập năm 2014, đảng chống EU có tên Lựa chọn khác cho nước Đức đã đạt được kết quả khả quan trong các cuộc bầu cử cấp bang gần đây, và có đại biểu tại 10 trong số 16 chính quyền bang. Đảng này được dự báo sẽ giành được một số ghế quốc hội trong kỳ bầu cử quốc hội mùa thu năm sau.
Anh
Đảng UK Độc lập (UKIP): Chống hệ thống chính trị, chống toàn cầu hóa, chống Liên minh châu Âu, chống khu vực đồng tiền chung châu Âu và chống nhập cư.
Đảng UKIP được thành lập để vận động cho việc nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu. Lãnh đạo UKIP từng phát biểu ông “chưa bao giờ vui hơn thế” về chiến thắng của Donald Trump. Ông cũng từng gọi Tổng thống Hoa Kỳ Obama là “kẻ đáng ghê tởm”.